Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật du lịch sáng 30/5, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nêu vấn đề: "Khi khách gặp khó khăn thì phải gọi ai? Ví dụ du khách bị gãy chân nằm một chỗ không thể gọi điện cho tất cả cơ quan phản ánh. Nếu quy định liên ngành đều phải có trách nhiệm thì cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm".
Theo ông Bình, Luật du lịch hiện nay gồm 88 điều song chỉ 4 điều nói về quyền lợi, trách nhiệm của du khách. Nội dung của Luật chưa tạo ra vành đai bảo vệ khách, khiến du khách chưa thực sự là Thượng đế. Báo chí đã đưa nhiều vụ việc khách bị cướp giật, lừa đảo mà không được cơ quan chức năng hỗ trợ.
"Việt Nam chưa trở thành điểm đến văn minh, an toàn, nhiều khách nước ngoài không được quan tâm, được thỏa mãn khi rời khỏi đất nước ta. Do vậy, Luật du lịch sửa đổi phải xác định rõ những người xâm phạm khách du lịch thì sẽ bị trừng trị. Đây là tiền đề để đưa ra các quy định khác", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Du khách cần được bảo vệ khi gặp những vấn đề khó khăn. Ảnh: Đoàn Loan.
Từng là lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội chia sẻ, cơ quan quản lý chuyên ngành như "sọt rác" để người dân mắng mỏ khi gặp vấn đề khó khăn, song thực tế cơ quan này không có quyền xử lý.
"Nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải thành lập cảnh sát du lịch, như cảnh sát môi trường, lực lượng 113, phản ứng nhanh 141... Nếu chúng ta khó tăng biên chế thì có thể giao lực lượng 113 chức năng xử lý các vi phạm liên quan đến du khách", ông Lân bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Golden Tour, cho rằng ở các thành phố, điểm du lịch lớn cần có cảnh sát du lịch. Ví dụ khi thành lập cảnh sát môi trường thì các vụ việc liên quan môi trường được xử lý nhanh hơn trước. Nếu ra nước ngoài, du khách Việt gặp sự cố cũng cần được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ.
Ông Nguyễn Quốc Thành, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hương Giang, lại cho rằng không nhất thiết phải có cảnh sát du lịch, song cần có lực lượng chuyên trách trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. TP HCM đang làm tốt công tác bảo vệ du khách, đơn giản như khi có đoàn khách trên đường, lực lượng bảo vệ có thể giơ tấm biển báo ưu tiên cho du khách.
"Nếu bố trí cảnh sát du lịch thì e rằng khó vì sẽ tăng biên chế, song vấn đề lực lượng bảo vệ du khách cần đưa vào Luật du lịch để các địa phương phải bố trí", ông Thành nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần có đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin du khách khiếu nại, tố cáo. Người tiếp nhận thông tin có thẩm quyền xử lý vấn đề mà khách phản ánh hoặc yêu cầu đơn vị liên quan khác giải quyết. Trong Luật du lịch sửa đổi phải quy định về trách nhiệm của đơn vị, người quản lý đường dây nóng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung vào luật quy định ký quỹ đối với các đơn vị lữ hành nội địa, mua bảo hiểm cho khách du lịch trong nước. Hiện chỉ có doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải ký quỹ 250 triệu đồng, khách đi nước ngoài hoặc khách quốc tế mới buộc phải mua bảo hiểm.
Luật du lịch đang được cơ quan soạn thảo là Tổng cục Du lịch lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, dự kiến năm 2013 sẽ trình Quốc hội.
Vietnamhotel-News