*Ảnh: Tham quan hầm trú ẩn ở Metropole
Trong ký ức của hoa hậu quốc tế người Philippines Gemma Cruz Areneta, khi đến Hà Nội năm 1968, bà ở khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole) gần một tháng. Tiện nghi của khách sạn giản dị, nhưng dịch vụ khá hài lòng trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc chiến tranh. Ngay khi đặt chân đến khách sạn vào ngày 17/5, bà đã nhìn thấy một số tấm biển ghi “abri”, nghĩa là hầm trú ẩn và mũi tên hướng dẫn tới vị trí căn hầm.
“Tôi nghĩ mình không bao giờ phải vào abri, song tôi đã phải lao vào hầm tới 2 lần. Khi tiếng còi báo động kinh hoàng rú lên trên toàn thành phố, tôi bước xuống hầm, không có cảm giác e ngại mà còn nghĩ rằng nơi đây có thể dựng thành một vũ trường hợp thời”, bà Gemma nhớ lại.
Trong tập nhật ký Hà Nội, bà Gemma Cruz cũng kể về căn hầm đã xuống tránh bom trong quãng thời gian tại Hà Nội: “Hầm trú ẩn của khách sạn là căn phòng bê tông dài và hẹp, nơi mà tôi tưởng tượng có thể dựng thành vũ trường sành điệu. Căn phòng có những chiếc ghế gỗ màu xanh lá cây xếp cạnh nhau. Mặc dù không có điện nhưng tôi vẫn nhìn thấy một chiếc quạt máy. Thật sự người Việt là chủ nhà chu đáo, những người làm bếp và nhân viên khách sạn đã thuyết phục từng vị khách xuống hầm khi máy bay Mỹ đến…”.
Cũng hồi tưởng lại những ngày chiến tranh ở Việt Nam, ông Bob Devereux, nhà ngoại giao Australia, kể lại năm 1975, ông giữ chức tham tán sứ quán Australia tại Sài Gòn, sau đó chuyển công tác về Đại sứ quán tại Hà Nội, trụ sở nằm ngay trong khách sạn Thống Nhất.
“Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh thiếu thốn nhiều thứ, thức ăn, quần áo, điện nước..., nhân viên sứ quán được phát một tập phiếu lương thực dùng cho các bữa ăn. Đường phố Hà Nội rất an toàn và yên tĩnh vào buổi tối", ông Bob Devereux kể. Vì không có phòng trống nên nhân viên sứ quán Australia tận dụng hầm trú ẩn để đựng đồ nên ông còn để rượu Australia dưới hầm.
“Tôi không nhớ tại sao mình lại khắc tên trên vách hầm trú ẩn. Có thể lúc đó tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện và không có gì làm nên trong lúc mò mẫm chai rượi trong nước, tôi đã tiện tay khắc tên mình trên tường. Sau 40 năm, tôi cũng tò mò muốn xuống lại căn hầm ngày xưa và cố nhớ một thời đã qua”, ông Bob nói.
Ông Cao Xuân Nhã, nguyên chuyên viên Ban đối ngoại, Bộ Ngoại giao, cho biết cách đây hơn 40 năm, ông phụ trách việc đón tiếp các phái đoàn quốc tế đến Việt Nam nên thường xuyên đến khách sạn Thống Nhất và trải qua hàng chục lần xuống hầm trú ẩn.
Ông Nhã kể, hầm có 5 phòng, có phòng thông hơi, chứa đồ, trú ẩn đủ cho hầu hết khách lưu trú trong khách sạn. Thường thì khách phải xuống tránh bom dưới hầm trong 10-20 phút. Có người thấy máy bay Mỹ đến ném bom thì rất sợ, sốt sắng xuống hầm ngay như nhà văn người Thụy Điển, song phần lớn khách quốc tế đều bình tĩnh đi xuống hầm.
Theo ông Nhã, nhiều vị khách quốc tế nổi tiếng từng trú ẩn tại khách sạn Thống Nhất như diễn viên điện ảnh người Mỹ Jane Fonda. Bà đã vài lần xuống hầm tránh bom khi 2 lần đến thăm Việt Nam vào năm 1971 và 1972.
“Khi Jane Fonda đến Hà Nội, tôi đã đưa bà đi thăm các tuyến đê ở Nam Sách, các trận địa pháo… Khi ở khách sạn, nghe tiếng máy tôi đã thuyết phục bà xuống hầm trú ẩn, bà rất bình tĩnh và đi cùng tôi. Dưới hầm, bà nói rằng sẽ có hành động phản đối Mỹ ném bom vào các khu vực dân sự như nhà trẻ, đê điều. Ngay hôm đó, bà đã họp báo bày tỏ phản đối chiến tranh. Bà Jane Fonda rất can đảm, những lần máy bay ném bom sau đó, bà bảo rằng không cần xuống hầm”, ông Nhã hồi tưởng.
Ông Nhã còn đón tiếp ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Joan Baez đến lưu trú tại khách sạn Thống Nhất trong một thời gian dài. Có lần, khi máy bay ném bom, ca sĩ Joan Baez mang theo đàn và hát dưới hầm cho mọi người nghe. Ông Nhã còn đưa Joan Baez đi Phủ Lý, Nam Hà, đến nơi nào chỗ ở cũng phải có hầm để đảm bảo an toàn.
Vị khách ấn tượng khác khiến ông Nhã nhớ mãi là nhà chính trị người Chile Salvador Allende Gossen. Ông sang thăm Việt Nam và mong muốn học hỏi tinh thần đấu tranh của dân tộc này. “Tôi được giao trách nhiệm bảo vệ an toàn cho khách nên phải yêu cầu họ xuống hầm khi có máy bay ném bom. Khi đó, ông Allende rất bình tĩnh, không lo ngại khi thấy máy bay đến. Sau này về nước, ông đã chiến đấu oanh liệt và trở thành Tổng thống Chile”.
Theo cán bộ ngoại giao 78 tuổi Cao Xuân Nhã, căn hầm trú bom tại khách sạn Metropole như một chứng nhân lịch sử, rất cần được bảo tồn, để các thế hệ người Việt cũng như bạn bè quốc tế hiểu thêm về thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, cũng cho thấy người Việt Nam rất chu đáo, luôn bảo vệ an toàn cho khách quốc tế dù chiến tranh ác liệt.
Sau gần 40 năm bị vùi lấp, căn hầm tránh bom trong lòng khách sạn Metropole đã được phát hiện vào tháng 8/2011. Ông Kai Speth, Tổng giám đốc khách sạn, kể khi thi công nền móng bar Bamboo, lãnh đạo khách sạn quyết định thăm dò, khoan và đào sâu hơn nữa. Vì không có khái niệm gì về vị trí cụ thể nên nhóm thi công cứ đào.
"Sau vài lần, chúng tôi tìm thấy căn hầm. Tôi cảm thấy mình như Howard Carter tìm thấy mộ vua Tut năm 1922. Ban đầu hầm bị ngập nước đến tận nóc, chúng tôi đã tháo nước ra trong một tuần và đào một đường xuống hầm. Tôi tin căn hầm là một phần của lịch sử khách sạn và chúng tôi phải nỗ lực làm nó sống lại, mở cửa căn hầm như một đài tưởng niệm để chia sẻ câu chuyện lịch sử với khách”, ông nói.
Gemma Teresa Cruz Araneta là thí sinh Philippines đầu tiên giành danh hiệu Hoa hậu quốc tế lần thứ năm tổ chức tại Long Beach, California năm 1964. Bà cũng là người Đông Nam Á và người Philippines đầu tiên giành danh hiệu hoa hậu quốc tế. Bà từng là nhà báo, Bộ trưởng Du lịch Philippines.
Vietnamhotel-News