2.400 tỷ đồng để phát triển nhân lực cho du lịch
7 giải pháp mà quy hoạch nhóm ngành Du lịch đưa ra khá toàn diện gồm: Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nhân lực ngành Du lịch; Xây dựng tiêu chuẩn (tập trung vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề) và thực hiện chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch; Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch quốc gia; Xây dựng, công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (tài chính, công nghệ, công sức và kinh nghiệm) trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực ngành Du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhân lực ngành Du lịch. Đáng chú ý là Quy hoạch đã tập trung ưu tiên 3 lĩnh vực trọng điểm thể hiện thành 3 hợp phần:
Hệ thống, chính sách thể chế quản lý và hỗ trợ phát triển nhân lực; Tăng cường năng lực đào tạo du lịch; Đào tạo lại, bồi dưỡng. Mỗi hợp phần có những dự án ưu tiên. Mỗi dự án có nội dung nhiệm vụ khác nhau trên từng lĩnh vực, nhưng quan hệ chặt chẽ với nhau, phát huy tính đồng bộ và hiệu quả trong thực hiện.
Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Du lịch đến 2020 được xây dựng có quy mô lớn, phạm vi rộng và thời gian dài, với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước cần tập trung là 819 tỷ đồng, huy tài trợ quốc tế là 512 tỷ đồng, huy động xã hội hóa tham gia là 1.069 tỷ đồng. Vốn huy động tài trợ, xã hội hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất 45%.
Đến năm 2020, mỗi năm tự đào tạo 50 tiến sĩ
Một luận cứ quan trọng mà Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Văn hóa, Thể thao (VHTT) đưa ra chính là con người đóng vai trò quyết định trong cả hai ngành. Mặt khác, theo đánh giá của các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng quy hoạch đã xuất phát từ đặc thù của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, chú ý cả đến các viện và những trung tâm nghiên cứu, huấn luyện và bồi dưỡng đúng và rất cần thiết, quan tâm đến các chính sách, cơ chế, tổ chức quản lý nhà nước và nhân lực quản lý nhà nước về phát triển nhân lực.
Quy hoạch đã đề cập đến phát hiện, đào tạo, sử dụng và chính sách tôn vinh nhân lực chuyên ngành. Những giải pháp phát triển nhân lực nhóm ngành VHTT giai đoạn 2011-2020 gồm: Đổi mới cơ chế, chính sách, luật pháp về phát triển; Tăng cường năng lực đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phát triển; Tăng cường xã hội hóa công tác phát triển nhân lực.
Quy hoạch cũng đưa ra 5 dự án ưu tiên: Hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý phát triển; Tăng cường năng lực đào tạo mới; Đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực hiện có và nâng cao nhận thức, giáo dục hướng nghiệp văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao cho cộng đồng; Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và sử dụng nhân tài; Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thể thao thành tích cao để khẳng định vị thế VN trên đấu trường thể thao khu vực và thế giới. Bởi quy hoạch có quy mô lớn, phạm vi rộng và thời gian dài nên tổng kinh phí dự tính là 7.270 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ nhân lực là một trong những mục tiêu phát triển có vị trí quan trọng trong quy hoạch. Về trình độ đào tạo, mỗi năm nhóm ngành VHTT tự đào tạo thêm 30 tiến sĩ; trong giai đoạn 2016-2020 mỗi năm tự đào tạo được 50 tiến sĩ, phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm tự đào tạo được 300 thạc sĩ, huấn luyện viên và bác sĩ chuyên khoa cấp I y học thể thao, 12.000 cử nhân và phối hợp với các cơ sở đào tạo ngoài ngành ở trong và ngoài nước đào tạo thêm số tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Phấn đấu có trường đại học được công nhận đẳng cấp quốc tế.
Đến năm 2015, 100% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt, trang bị kiến thức về văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức cho công chức các ngạch...
Nhìn chung hai Quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành Du lịch, ngành VHTT được ban soạn thảo chuẩn bị công phu, theo đúng quy trình hướng dẫn, đảm bảo tính lý luận và thực tiễn cao. Nếu phê duyệt sẽ đáp ứng yêu cầu mang tính chiến lược trong phát triển nhân lực của các lĩnh vực.
Các thành viên của hai Hội đồng thẩm định các nhóm ngành gồm: ThS. Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN; PGS.TS Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL; ThS Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ VHTTDL; TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT... đã thống nhất đưa ra các ý kiến đồng thuận cao về nội dung được đưa ra trong cả hai quy hoạch thuộc ba nhóm ngành trọng điểm thuộc ngành VHTTDL.
Thúy Hiền
Nguồn: Báo Văn hóa