
Hội thảo có sự tham dự của bà Đỗ Hồng Xoan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh – Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Hariyadi – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn & Nhà hàng ASEAN (AHRA), ông Vũ Quốc Trí – Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Maulana Yusran – Tổng thư ký hiệp hội Khách sạn & Nhà hàng Indonesia, ông Nguyễn Quang – Phó chủ tịch Liên chi hội khách sạn, Chủ tịch CLB Quản lý Buồng Việt Nam, Bà Trần Mộng Tuyền – Trưởng Dự án Informa tại Việt Nam cùng hơn 250 đại biểu là các chủ đầu tư, các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực khách sạn – du lịch tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Ngành khách sạn Việt Nam đang trải qua một giai đoạn hồi phục đáng kể sau những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Ông Nguyễn Quang, Phó chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, nhấn mạnh rằng hội thảo là cơ hội để cập nhật kiến thức và giải pháp thiết thực cho ngành khách sạn. Ông cũng chỉ ra vai trò quan trọng của Hiệp hội Khách sạn & Nhà Hàng ASEAN (AHRA) trong việc kết nối và tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường vẫn phải đối diện với nhiều thách thức như biến động kinh tế toàn cầu, thay đổi trong nhu cầu du lịch và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Trong phiên thảo luận về thực trạng kinh doanh, các chuyên gia đã phân tích tình hình hoạt động của ngành khách sạn tại Việt Nam, ASEAN và toàn cầu, đồng thời dự báo các xu hướng nổi bật trong năm 2025.
Hội thảo đã tập trung vào bốn vấn đề chính liên quan đến sự phát triển của ngành khách sạn, nhấn mạnh vai trò của công nghệ và sự cần thiết phải thích nghi với thị trường không ngừng thay đổi. Một trong những xu hướng chủ đạo trong năm 2025 là sự phát triển của mô hình lưu trú kết hợp công nghệ và tiêu chuẩn dịch vụ mới.
Ông Hariyadi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn & Nhà hàng ASEAN, cũng đã chia sẻ những góc nhìn về cách Chính phủ Việt Nam thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành khách sạn, không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp ngành khách sạn vượt qua khủng hoảng.

Phiên tọa đàm “Thảo luận về Tương lai ngành khách sạn ASEAN, cơ hội hợp tác và phát triển trong ngành khách sạn khu vực ASEAN”, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều nội dung, trong đó có thực trạng khách các nước ASEAN đến Việt Nam trong năm 2024 vừa qua còn rất khiêm tốn, khách Indonesia đến Việt Nam hơn gần 200 ngìn lượt tương đương với 7% so với khách Indonesia đến Singapore, khách Malaysia đến Việt Nam gần 500 ngìn lượt tương đương 10% đến với Thái Lan, khách Singapore đến Việt Nam bằng 4% so với đến Malaysia... và chính sách phát triển xanh và bền vững của Việt Nam, cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành khách sạn Việt Nam khi ra nhập Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng ASEAN, tăng cường hợp tác trong khu vực, sẽ giúp ngành khách sạn và Du lịch Việt Nam nói riêng mà cả của các nước ASEAN phát triển hơn trong thời gian tới.