Sau Covid-19 nhân lực dịch chuyển từ ngành du lịch sang các ngành khác rất lớn dẫn đến sự khan hiếm nguồn nhân lực khách sạn. Tuy nhiên, sau dịch bệnh, nhu cầu du lịch và tận hưởng thư giãn của du khách đã có sự tăng cao. Để nắm bắt được xu hướng phát triển du lịch trong tương lai, nguồn nhân lực vẫn là chìa khóa quan trọng để đưa ngành du lịch nước nhà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trong buổi Hội thảo Kinh doanh Khách sạn Hiệu quả, Bền vững.
Trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du Lịch đã có những tham luận và nêu ra những vấn đề, thách thức trong việc kinh doanh khách sạn hiệu quả, bền vững.
Con số tiềm năng về ngành du lịch sau dịch bệnh
Hiện nay, ngành du lịch đã phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, vì vậy nguồn nhân lực phục vụ trong ngành cũng đòi hỏi phải gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Theo dự báo của Economist Intelligence Unit - Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), sau khi ghi nhận mức tăng 60% vào năm 2022, lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng 30% trong năm 2023.
Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), du lịch và lữ hành sẽ đóng góp 15,5 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu năm 2033, chiếm 11,6% nền kinh tế toàn cầu và sẽ sử dụng 430 triệu người làm việc trên khắp thế giới, với gần 12% dân số trong độ tuổi lao động làm việc trong ngành này.
Như vậy, mỗi năm thế giới cần hơn 9 triệu nhân sự trong lĩnh vực quản trị khách sạn, trong đó riêng tại Việt Nam cần hơn 54.000 người. Điều này đặt ra bài toán đối với việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của nước ta.
Thực trạng hiện nay
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đưa ra góc nhìn về thực trạng hiện tại. Ở Việt Nam hiện nay cơ sở đào tạo du lịch chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho nhu cầu lao động của các doanh nghiệp khách sạn. Các cơ sở đào tạo không đủ cung ứng về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng phục vụ trong doanh nghiệp, nhất là các khách sạn 4 đến 5 sao. Cụ thể:
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu: Nhu cầu khách lưu trú tăng cao kéo theo sự gia tăng số phòng khách sạn, từ đó nhu cầu về nhân lực cũng gia tăng theo.
“Nhảy việc” của người lao động trong doanh nghiệp: Lao động trong ngành khách sạn thường có tỷ lệ “nhảy việc” cao, nhất là do sự thiếu hụt lao động nên nhiều doanh nghiệp thường dùng các chính sách để thu hút lao động từ các doanh nghiệp khác.
Nguồn kinh phí cho hoạt động phát triển nguồn nhân lực: Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn nhân lực trực tiếp và gián tiếp. Điều kiện cơ sở vật chất, chăm sóc y tế, bồi dưỡng, giáo dục của người lao động bị hạn chế. Vấn đề đảm bảo các điều kiện đã nêu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động.
Giải pháp được đưa ra trong hội thảo
Để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành du lịch khách sạn xây dựng cần đưa ra chính sách đãi ngộ tốt; đào tạo kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số; chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo du lịch; nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng nhu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, phát triển các dịch vụ mới trong hoạt động lưu trú; chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo quốc tế…
Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy; đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới…
Các doanh nghiệp khách sạn lớn đã linh hoạt hơn trong chiến lược sử dụng nhân lực bán thời gian. Chính sự thay đổi quá nhanh, khiến các quản lý nhân sự cấp cao phải thay đổi chiến lược trong tuyển dụng, theo đó tập trung vào kết nối lại các phương pháp tuyển dụng nhân tài; đào tạo trong dòng chảy cuộc sống.
Hiện nguồn nhân lực khách sạn thuộc phân khúc từ 1- 3 sao tăng nhanh; tuy nhiên tại khu vực khách sạn 4 đến 5 sao lại phục hồi chậm, đặc biệt với nhân lực chất lượng cao phục vụ trong các khách sạn lớn, chuyên phục vụ khách quốc tế.
Vì vậy, cần phải chủ động về định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khách sạn trong thời gian tới; thay đổi đối tượng tham gia vào chương trình đào tạo nâng cao cho những người đã tham gia; các ban, ngành liên quan cần dành nguồn lực để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng… tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực này.
Chính sách phát triển lãnh đạo từ chính trong đội ngũ lao động của khách sạn. Nếu nhân viên cảm thấy bản thân có kiến thức, kỹ năng chuyên môn đáp ứng được cho vị trí lãnh đạo cấp cao, họ có thể đăng ký vào danh sách phát triển lãnh đạo nguồn.
Các doanh nghiệp khách sạn cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng nguồn nhân lực trong mối liên hệ và gắn kết hợp tác với các cơ sở đào tạo trong việc tập huấn, hướng dẫn sinh viên trải nghiệm và thực hành tại chỗ từ những năm đầu tiên, hướng tới tuyển dụng sinh viên chưa tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu vừa học vừa làm, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng và tăng cường năng lực, kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ lao động tham gia các lớp học, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, cũng như chính sách giữ chân người lao động có năng lực.
Xu hướng đào tạo nguồn nhân lực khách sạn quốc tế ở Việt Nam
Đối với nguồn nhân lực trẻ, mới bổ sung thêm, xu thế tất yếu khi giáo dục xuyên quốc gia ngày càng phổ biến. Đặc biệt, các chương trình quốc tế được giảng dạy ở Việt Nam đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ và đang có định hướng phát triển khá rõ nét.
Có thể thấy mô hình Hotel Academy Phú Quốc (VET by EHL) hiện đang là trường đầu tiên trong nước đào tạo lĩnh vực nhà hàng khách sạn theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ với mục tiêu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp du lịch sôi động tại Phú Quốc, Việt Nam và trên toàn Châu Á.
Chương trình đào tạo của trường tập trung vào 4 lĩnh vực: kỹ thuật chế biến món ăn; nghiệp vụ nhà hàng; nghiệp vụ buồng phòng; nghiệp vụ khách sạn đều được xây dựng dựa trên khung năng lực chuẩn Thụy Sĩ. Không chỉ trang bị lý thuyết cho sinh viên, môi trường học tập tại Hotel Academy Phú Quốc còn gắn với thực tiễn, thời gian học tại trường và thực tập tại các khách sạn lớn được chia đều, giúp sinh viên thêm tự tin khi ứng dụng kiến thức vào công việc thực tế.
Đổi mới trong đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khách sạn ngay từ trong chương trình đào tạo cần được xem là ưu tiên của các cơ sở đào tạo về du lịch. Mục đích để thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng các chương trình đào tạo, hướng tới truyền tải kiến thức chuyên môn và kĩ năng song hành; cập nhật kiến thức và kĩ năng cần có trong bối cảnh mới của ngành; tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp khách sạn trong việc bố trí việc làm cho sinh viên. Quan trọng nhất là định hướng rõ ràng cho sinh viên, đồng thời nâng cao nhận thức của sinh viên chủ động học và tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm phục vụ trong khách sạn.
Để vươn tới sự tăng trưởng bền vững đó là sự ổn định và phát triển của những doanh nghiệp được xây dựng dựa trên chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình do một lực lượng lao động được đào tạo theo tiêu chuẩn cao và có khả năng xây dựng và phát triển trong môi trường làm việc.
Qua đây có thể thấy, hiện đại hóa quản lý nguồn nhân lực hiện nay là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng trong các doanh nghiệp du lịch nói chung và khách sạn nói riêng để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, thị trường, sản phẩm, công nghệ và dịch vụ. Xác định được xu thế phát triển giúp cho các bên liên quan nhìn nhận những khoảng trống trong quá trình kinh doanh để đảm bảo sự thích ứng an toàn và đối phó với những thay đổi của môi trường kinh doanh trong thời kỳ mới.