Ngày nay, đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đặc biệt trong điều kiện thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Ngành đồ uống đảm bảo sự ổn định của thị trường, thúc đẩy các ngành hàng du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, ước tính khoảng 60 ngàn tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh bao gồm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, phân phối, dịch vụ tiêu thụ trực tiếp…
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, sau một thời gian dài do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù bao gồm Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh, và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với chế tài rất nặng áp dụng khi điều khiển phương tiên giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019…
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, và đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước. Một số thống kê cho thấy, nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA chia sẻ tại Hội thảo.
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố năm 2020, tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức.
Với những khó khăn chồng chất, ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực cũng sẽ mất rất nhiều năm để có thể phục hồi và quay trở lại đà phát triển như trước đại dịch. Trong năm nay và những năm tới khi đại dịch Covid-19 qua đi, những tác động tiêu cực của nó vẫn còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát toàn cầu tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng tới tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ…
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA cho rằng, doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phát triển. Gánh nặng thuế, phí cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trước khi đề xuất các chính sách mới, đặc biệt là chính sách thuế làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, cần có những đánh giá toàn diện trong việc đáp ứng các mục tiêu đề ra, tác động của chính sách hiện hành v.v để làm cơ sở cho những đề xuất mới.
Đại diện VBA cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm và xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước./.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn/