Tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: “Hiện Việt Nam có hơn 2 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó các lực lượng lao động này lâu nay không được xếp hạng, việc đánh giá thường thông qua những người quen biết, những người đã từng làm việc trực tiếp với họ. Giám đốc một doanh nghiệp mới muốn tuyển nhân viên không biết chọn theo tiêu chí nào, họ phải đi hỏi hết người nọ đến người kia để biết ai có thể làm việc và ai không làm được. Điều này dễ dẫn đến sự nhầm lẫn khi chọn nhân sự.
Trước bối cảnh đó, việc có bộ tiêu chuẩn quy định sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng lựa chọn được các nhân viên cho mình. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn còn giúp cho các lao động xác định được trình độ và vị thế của mình trong xã hội. Do đó cần có những cơ quan độc lập đánh giá trình độ.
Vì vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương làm lại việc này với mong muốn tất cả các lực lượng lao động trong ngành sẽ được xếp hạng ngạch, bậc để đưa ra một kênh tham khảo có giá trị cho những người chọn lựa lao động.
Tại hội thảo, bà Lê Mai Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã giới thiệu dự thảo Tiêu chuẩn xếp hạng các cấp quản lý bộ phận buồng và ông Nguyễn Thế Toàn – Trưởng Ban Đào tạo của Hiệp hội du lịch Việt Nam giới thiệu dự thảo Quy định tổ chức xếp hạng các cấp quản lý bộ phận buồng.
Theo GS, TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có một số góp ý về Quy định tổ chức xếp hạng các cấp quản lý bộ phận buồng. Dự thảo nên để tên là quy định về tổ chức kỳ thi để xếp hạng chứ không phải là quy định tổ chức xếp hạng. Vì thế, cách sắp xếp cơ cấu của dự thảo quy định này cần được chỉnh lại theo hướng tổ chức một kỳ thi (sát hạch) để xếp hạng.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch cho rằng cần thiết có bộ tiêu chuẩn và có khả năng áp dụng vào thực tế theo điều kiện của Việt Nam. Về nội dung, dự thảo tiêu chuẩn phù hợp các tiêu chuẩn trước đây, phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên cần xem xét thêm một số nội dung trong đó cần bổ sung thêm 1 hạng phù hợp với quy định tại 1385 của Bộ LĐ-TB&XH.
Còn ông Vũ An Dân - Trưởng khoa Du lịch, ĐH Mở Hà Nội cho rằng ở Dự thảo Quy định tổ chức xếp hạng, ở tiêu chuẩn thi, với giám sát thì phải có ít nhất 1 năm làm nhân viên chứ không nên đưa ra yêu cầu là 1 năm làm giám sát bởi đây là yêu cầu để làm việc khác với việc làm việc được rồi thì mới thi chứng chỉ. Cũng theo ông Dân, dự thảo cũng nên đưa ra việc bỏ qua một số tiêu chuẩn đối với những người đã có thời gian làm ở bộ phận giám sát vì đương nhiên những người này để làm được việc họ đã phải đảm bảo một số tiêu chí trước đó rồi.
Ông Nguyễn Quang - Giám đốc Fraser Suite, Chủ nhiệm CLB Quản lý buồng đã rất hoan nghênh việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng các cấp quản lý bộ phận buồng và nếu thực hiện theo thì các quản lý buồng của Việt Nam không thua kém gì các quản lý buồng quốc tế. Ông Quang cho rằng lâu nay có một sự đánh giá sai về quản lý buồng rằng quản lý buồng không chỉ bao gồm dọn sạch sẽ, chỉn chu mà còn phải đảm bảo đẹp. Đồng thời về quy định đánh giá, ông Quang bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của GS Đính khi cho rằng bối cảnh đánh giá hiện nay khác so với thời gian trước. Ông Quang cho rằng dự thảo cũng nên bổ sung tiêu chí đối với những người đã từng làm tại một cơ sở lưu trú du lịch.