Cũng trong thời gian này, khách du lịch nội địa tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lên 80 triệu; du lịch đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 13%, so với mức tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng vui mừng cho biết, cùng với những kết quả nổi bật đó, du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như: Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hoá hàng đầu châu Á; cùng với đó là nhiều giải thưởng danh giá dành cho các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, Sungroup, FLC, Vietravel, Saigontourist, Hanoitourist…
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ năm 2015-2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện và tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 63/140 nền kinh tế.
Với mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là đến năm 2020 đạt 10 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2019 dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi và cơ bản thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhìn nhận du lịch Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế như chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú…
Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, bao gồm:
Tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, mang tính xã hội hoá cao; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh phối hợp công - tư, giữa Trung ương và địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Đồng thời cần tăng nguồn kinh phí cho hai chương trình của ngành Du lịch (Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia). Hiện nay, kinh phí dành cho hai chương trình này là 54 tỉ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), so với Thái Lan khoảng 80 triệu USD/ năm.
Tiếp tục đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hoá thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết du lịch và đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian 4 năm vừa qua, hệ thống cơ cở lưu trú phát triển mạnh, nhất là các cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao. Trong lĩnh vực hàng không, với sự phát triển của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airlines... đã có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm đến du lịch hàng đầu ở khu vực và thế giới. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay Vân Đồn, cảng tàu Hạ Long…
Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn