26/07/2017 - 12:00

Bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch (Kỳ cuối)

Sự thiếu hụt khá lớn nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở nước ta là “nút thắt” đòi hỏi phải có những chính sách, giải pháp đặc biệt ở hệ thống các cơ sở giảng dạy, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của ngành trong bối cảnh hội nhập.

Hệ thống giáo dục còn chồng chéo

PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết: Hiện nay, hệ thống quản lý các cơ sở đào tạo đang bị phân hóa, chồng chéo và khác biệt. Khối cơ sở đào tạo giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp về chuyên môn; khối cơ sở đào tạo nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Trong khi đó, các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên… lại do hai Bộ làm riêng; một bên đào tạo theo tín chỉ, một bên đào tạo theo môn học. Điều này dẫn đến sự khác biệt về năng lực của người học ở đầu ra. Chương trình, hệ thống đào tạo cũng không thống nhất giữa các trường dẫn đến tình trạng không công nhận nhau. Sinh viên tốt nghiệp bậc trung cấp, cao đẳng ở trường này muốn liên thông bậc đại học ở trường khác phải học bổ sung nhiều học phần gây mất thời gian, tốn kém.

Còn việc học liên thông từ các trường nghề lên hệ thống các trường cao đẳng, đại học lại gặp nhiều khó khăn, những người tốt nghiệp trường nghề khi đi làm được đánh giá cao về năng lực quản lý, điều hành cũng gặp trở ngại trong việc đề bạt vì thiếu bằng cấp. Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt của các cơ sở đào tạo về du lịch trong khi thiếu giáo viên chuyên ngành, hệ thống cơ sở đào tạo đã dẫn đến việc phải hợp thức hóa tên gọi các chuyên ngành theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, một số trường khối xã hội nhân văn thì lấy tên: Du lịch học, Việt Nam học…; các trường khối kinh tế, kỹ thuật lại lấy tên: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn… Hệ quả của tình trạng này là tên bằng tốt nghiệp cũng khác nhau, gây lúng túng cho các nhà tuyển dụng.

PGS, TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng trên, phải nhanh chóng thống nhất hoạt động đào tạo du lịch về một đầu mối quản lý nhà nước. Để đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, trên cơ sở đổi mới tư duy về đào tạo, cần lựa chọn mô hình đào tạo phù hợp, phát huy được tính tự chủ của các cơ sở trong tuyển sinh đầu vào; bảo đảm được tính liên thông giữa các bậc đào tạo, trong đó chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt là thực hành về kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải được thiết kế với quy chuẩn chung để áp dụng ở các cơ sở đào tạo dựa trên việc thống nhất bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch.

Việc phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực cũng là yêu cầu cấp bách. Hiện nay, giảng viên chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, một số ít từ các doanh nghiệp du lịch, nhìn chung còn thiếu thực tế nghề nghiệp. Cộng thêm trình độ ngoại ngữ không cao, chưa thể tự nghiên cứu tài liệu nước ngoài; dẫn đến năng lực thống kê, nghiên cứu, tư vấn phát triển du lịch của sinh viên cũng hạn chế theo.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang (Trường đại học Sài Gòn) chia sẻ: Các cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển đội ngũ giảng viên, có giải pháp để yêu cầu các giảng viên nâng cao trình độ với các nghiên cứu khoa học nghiêm túc thật sự chứ không phải đối phó hình thức. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học. Nên thường xuyên tổ chức việc đánh giá chất lượng giảng viên thông qua dự giờ hoặc thực hiện phiếu điều tra, phỏng vấn sinh viên… Cơ quan quản lý, các bộ, ngành liên quan cũng cần thường xuyên tổ chức những lớp học chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ giảng viên cũng như nhân sự quản lý ở các doanh nghiệp đào tạo.

Cần đột phá trong hoạt động đào tạo

Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thời gian qua, dù nguồn nhân lực du lịch đã có sự phát triển về quy mô, chất lượng nhưng vẫn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao, nhất là ở các vị trí quản lý. Còn thiếu những người có khả năng điều hành những doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, hầu hết chức danh tổng giám đốc các doanh nghiệp có uy tín hiện nay đều do người nước ngoài đảm nhiệm.

Thực trạng nêu trên, theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân là do nước ta đang thiếu hụt hệ thống đào tạo trong lĩnh vực du lịch. Một số chuyên gia cho rằng, với đặc trưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, lại được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, việc phải thành lập trường đại học chuyên đào tạo chuyên ngành về du lịch là cần thiết. Chủ đầu tư Tàu nhà hàng Elisa Nguyễn Hải Linh khẳng định: Một số trung tâm lớn của đất nước nên có trường đại học du lịch, mời các chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài rà soát chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình phù hợp. Điều này sẽ tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chưa có đủ những yếu tố cần thiết về giảng viên, cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy để thành lập đại học du lịch, điều cần quan tâm hiện nay là tập trung đẩy mạnh chất lượng đào tạo ở ngay hệ thống các cơ sở hiện có. Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận định: Với điều kiện nước ta, điều đáng quan tâm không phải là thành lập hay không thành lập trường đại học du lịch, mà quan trọng nhất là có phương pháp giảng dạy thế nào để đẩy mạnh chất lượng đào tạo. Với hệ thống các cơ sở hiện có, nếu có giải pháp đến nơi đến chốn vẫn có thể có đội ngũ nhân lực chất lượng cho du lịch. Bằng chứng là ở Mỹ chủ yếu duy trì đào tạo du lịch bậc cao đẳng nhưng vẫn cho ra lực lượng lao động với kỹ năng rất tốt…

Muốn xóa bớt khoảng cách giữa kiến thức được đào tạo trong trường và công việc cụ thể khi ra nghề, đáp ứng tốt nhu cầu đơn vị sử dụng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã có nhiều nỗ lực để tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp du lịch bằng nhiều hình thức như: cung cấp lao động bán thời gian, tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển chọn nhân viên ngay trong cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở còn mời đại diện các doanh nghiệp tới trao đổi chuyên môn, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên… Song nhìn chung, các hoạt động này mang tính nhất thời, giữa hai đơn vị chưa có kế hoạch rõ ràng, chi tiết và kế hoạch dài hơi cho từng nội dung hợp tác. Doanh nghiệp chưa được tham gia vào quá trình đào tạo với tư cách là người sử dụng sản phẩm đào tạo để đưa ra tiêu chí tuyển dụng, yêu cầu chuyên môn...

Rõ ràng, nhân lực du lịch là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của toàn ngành. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để thực hiện được nhiệm vụ này, không những cần nỗ lực từ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch, mà còn cần sự quyết tâm của người học, sự tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội.

Nguồn: Báo Nhân Dân
Các bài đã đăng:
Đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi(23/03/2020)
Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay do dịch Covid-19(17/03/2020)
Doanh nghiệp và nhà trường “bắt tay” giải bài toán nhân lực du lịch(07/05/2019)
Tổ chức Lễ trao chứng chỉ “Kỹ năng sư phạm quốc tế chuyên ngành Du lịch - Khách sạn"(15/12/2017)
Đào tạo các ngành về du lịch đã có cơ chế đặc thù(24/10/2017)
Bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch (Kỳ 1)(24/07/2017)
Khóa tập huấn "Kỹ năng quản lý khách sạn"(23/08/2016)
Lễ ký kết "Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành quản trị khách sạn và lưu trú"(24/02/2016)
YCI đào tạo thêm 28 nhân sự ngành Khách sạn(24/02/2016)
Tổng cục Du lịch tổ chức trao quyết định tuyển dụng công chức mới(28/04/2014)
Tìm kiếm khách sạn
Trung tâm du lịch lớn
LỊCH SỰ KIỆN
Nov
29
2018
Ngày 29 tháng 11 năm 2018, tại Khách sạn Công đoàn ...
Jul
22
2018
Từ 22/7/2018 - 12/8/2018, Lễ hội Ẩm thực và Không gian ...
Mar
23
2018
Từ ngày 23 – 25/3/2018, Chương trình “Giới thiệu ẩm ...
Jul
26
2017
Sáng 21-7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa ban hành ...
Tin nổi bật
Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ III và Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập
Liên chi hội Khách sạn Việt Nam tổ chức tọa đàm với Hiệp hội Khách sạn Liên Bang Nga
Khai mạc triển lãm và diễn đàn công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành khách sạn - HorecFex Việt Nam 2024
KHAI MẠC SỰ KIỆN CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ TẠI ĐÀ NẴNG - HORECFEX VIETNAM 2024
Liên chi hội khách sạn Việt Nam chính thức ra nhập hiệp hội khách sạn và nhà hàng ASEAN
VHA Admarket
Nằm ở trung tâm thủ đô, bên cạnh công viên Thủ Lệ, trong quần thể khu vực các khách sạn cấp cao của thủ đô Hà Nội, gần các trung tâm văn hoá, thương mại, tài chính... Khách sạn Daewoo với các phòng nghỉ tiện nghi, nhà hàng sang trọng, phòng họp, phòng hội thảo... với dịch vụ chất lượng tiêu chuẩn quốc tế 5 sao...sẽ mang tới cho qúy khách sự hài lòng nhất để công tác và thư giãn.

Chỉ cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 25 km. Cách bãi biển Cửa Đại 4 km và Cách phố cổ Hội An 100 m từ khách sạn Hội An dễ dàng tham quan những điểm du lịch hấp dẫn khác như: Thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế, Thành phố Đà Nẵng với các điểm hấp dẫn như Bà Nà, Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Khu nghỉ mát có tới 23 hồ bơi cùng nhiều môn thể thao biển trên Bãi Dài – Cam Ranh. Cách Nha Trang một quãng đường ngắn và chỉ mất 20 phút đi xe từ Sân bay Quốc Tế Cam Ranh, khu nghỉ mát biệt lập của chúng tôi được bao quanh bởi các dãy núi với hệ thực vật phong phú và đồi cát rộng lớn.

Khách sạn IMPERIAL cung cấp đa dạng các tiện nghi và dịch vụ bao gồm The Dining Room (phòng ăn) có không gian ấm cúng và thoải mái như tại nhà, chuyên phục vụ các món ăn tươi ngon, sử dụng các nguyên vật liệu tươi ngon từ khắp nơi trên thế giới.