Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Hoàng Văn Kiên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang và đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Tọa đàm giúp độc giả nhìn thẳng vào những khó khăn mà các địa phương và doanh nghiệp phải đối mặt để từ đó đưa ra đề xuất giúp ngành Du lịch vượt khó.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm đã giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tính đến tháng 6/2015, lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam đã giảm trong 13 tháng liên tiếp. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Du lịch là một ngành kinh tế hết sức nhạy cảm, bất kỳ một biến cố gì do thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, chiến tranh đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Chính vì vậy, khi thị trường Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi thì dịch MERC-CoV diễn ra tại Hàn Quốc và châu Á được coi là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch hạn chế đi lại trong thời gian qua.
Trước thực trạng trên, mới đây, Chính phủ đã miễn thị thực (visa) cho công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Belarus khi nhập cảnh Việt Nam. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Nghị quyết ban hành cần có thời gian để đưa vào cuộc sống. Bên cạnh đó, muốn thực hiện thành công các chính sách phát triển du lịch cần có nhận thức và hành động đúng, trong đó, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đóng vai trò quyết định.
Nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương, các khách mời của tọa đàm nhận định, cần phải có sự liên kết giữa các vùng miền để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Không mấy khi thấy du khách quốc tế đến tham quan Nam Định vì Nam Định chưa quảng bá hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời chưa có “sản phẩm” du lịch hấp dẫn du khách. Trong thời gian tới, ông Bạch Ngọc Chiến cũng mong muốn các công ty du lịch sẽ liên kết với các địa phương để tạo ra được những sản phẩm du lịch tốt. “Đó có thể là “tour” du lịch tâm linh liên kết giữa các địa phương: Quảng Ninh – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Hà Nội” – Ông Bạch Ngọc Chiến đề xuất.
Cũng theo ông Chiến, có thể tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tạo hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, nên truyền thông đúng với khả năng cung ứng sản phẩm du lịch của địa phương, tránh tung hô khiến du khách cảm thấy khó chịu.
Đánh giá về việc triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4/9/2014 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sau một năm triển khai Chỉ thị đã có những kết quả bước đầu: Chính quyền địa phương đã nhận thức và chỉ đạo đúng đắn; Đường dây nóng được thiết lập; Nhiều địa phương thành lập trung tâm xúc tiến du lịch; Mô hình nhà vệ sinh du dịch có sự cải thiện đáng kể, phấn đấu đến năm 2016, tất cả các điểm tham quan đều có nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn.
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng việc triển khai Chỉ thị 18 vẫn còn hạn chế do sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa việc tham mưu, đề xuất các chính sách mới, nhân rộng các điển hình làm tốt, chỉ ra những nơi còn hạn chế, rút kinh nghiệm để thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông cho cộng đồng./.
Nguồn: ĐCS