25/02/2015 - 12:00

Các lễ hội lớn ở Hà Nội tưng bừng khai hội

Ngày 24/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội tưng bừng diễn ra trong tiết trời nắng ấm. Đông đảo nhân dân và du khách thập phương trẩy hội, cầu mong may mắn, bình an trong năm mới.



Tại Khu di tích Đền Sóc Sơn thờ đức Thánh Gióng- Phù Đổng Thiên Vương, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, hàng vạn người đến tham dự lễ đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt quần thể kiến trúc Khu di tích Đền Sóc Sơn và khai hội năm 2015.

Được xây dựng trong thung lũng núi Vệ Linh, trải qua mấy nghìn năm với bao thăng trầm, Đền Sóc vẫn tồn tại uy nghiêm và cổ kính. Quần thể kiến trúc khu di tích gồm: Đền Thượng, Đền Hạ, đền Mẫu, bia 8 mặt lớn, chùa Bi, chùa Non, Khu Tượng đài Thánh Gióng. Cùng với quy mô về mặt kiến trúc, hệ thống hiện vật phong phú về chủng loại, đa dạng về chất liệu, trong đó nổi bật là bộ tượng trong hậu cung đền Thượng thờ đức Phù Đổng Thiên Vương và các tướng theo ông đi đánh giặc. Năm 1962, Khu di tích Đền Sóc được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2010, lễ hội Gióng Đền Sóc cùng với hội Gióng Đền Phù Đổng được UNESCO công nhận là D i sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc là Di tích Quốc gia đặc biệt. Phát biểu tại lễ đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: “Đền Sóc cùng các di tích trong khu vực là nơi hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và thiên niên vô cùng quý giá với tiềm năng du lịch to lớn vần được gìn giữ và phát huy. Huyện Sóc Sơn cần nỗ lực hơn nữa để Khu di tích Đền Sóc xứng tầm với vị thế của một Di sản văn hóa Quốc gia đặc biệt”.

Ngay từ 6 giờ sáng, các đoàn rước lễ phẩm, lễ vật của các xã lân cận đã tiến hành trong sự trang nghiêm, tập trung về dốc Yên Ngựa. Sau lễ đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, các đoàn dâng lễ phẩm, lễ vật vào lễ Thánh tại đền Thượng. Đoàn rước hoa tre của xã Phù Linh, rước ngựa sắt của xã Phù Linh, rước voi chiến của xã Tiên Dược, rước trầu cau Đan Tảo của xã Tân Minh, rước ngà voi của xã Đức Hòa, rước cỏ voi thôn Yến Sào của xã Xuân Giang, rước tướng nữ của xã Bắc Phú, rước cầu húc thôn Xuân Dược của xã Tân Minh. Nghi lễ được thực hiện theo phương thức truyền thống được trao truyền từ đời này sang đời khác và đó là một trong những giá trị nổi bật để UNESCO công nhận Di sản văn hóa của nhân loại.

Theo ghi nhận, hội Gióng Đền Sóc năm nay được tổ chức trang trọng, văn minh, lành mạnh. Lực lượng an ninh được tăng cường, hàng quán bán đúng nơi quy định, đặc biệt tục “cướp lộc” có phần bớt lộn xộn, không xảy ra tình trạng gây thương tích như nhiều năm trước. Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết: “Trước khi diễn ra lễ hội hai tháng, huyện Sóc Sơn cũng mở chuyên mục trên Đài truyền thanh huyện, mở các hội nghị quán triệt tới các thôn làng nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện văn minh nơi thờ tự. Đặc biệt, huyện nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc tranh giành “cướp lộc” một cách phản cảm, tránh xảy ra thương tích”.

Để phần lễ tấu thêm trang trọng, năm nay UBND huyện Sóc Sơn đầu tư cho các thôn làng trang phục mới, kiệu mới đồng thời đề nghị các thôn làng chuẩn bị tốt lễ rước lễ phẩm, lễ vật. Huyện huy động 170 cán bộ, chiến sĩ an ninh, 200 thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại lễ hội, hướng dẫn người dẫn hành lễ đúng quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

Lễ hội diễn ra đến hết ngày 26/2, kết thúc bằng nghi lễ hóa voi và ngựa sắt.

*Cũng trong sáng 24/2, lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức cũng tưng bừng khai hội. Mặc dù thời tiết thuận lợi nhưng do hôm nay bắt đầu ngày làm việc của các cơ quan, đơn vị nên lượng người trẩy hội chùa Hương không đông bằng các năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích Hương Sơn: Mặc dù không đông bằng ngày khai hội các năm trước nhưng hôm nay, chùa Hương vẫn đón khoảng 4 vạn lượt người đến tham quan, trẩy hội. Tính từ ngày mùng 3 đến nay, lượng khách đến chùa Hương đã đạt 16 vạn lượt người.

Năm nay, thực hiện “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”, UBND huyện Mỹ Đức tăng cường công tác quản lý lễ hội về các phương diện: Văn minh nơi thờ tự, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo ghi nhận, ngày khai hội chùa Hương năm nay không còn xảy ra tình trạng ùn tắc ở khu vực cáp treo và cửa vào động Hương Tích. Người hành lễ không còn chịu cảnh chờ đợi hàng giờ ở nhà ga cáp treo để đợi đến lượt hay chen lấn, xô đẩy để vào chiêm bái trong động. Nhìn chung, cảnh lộn xộn không còn diễn ra cả ở khu vực bến đò, trên dòng suối Yến đến các điểm di tích trong khu Hương Sơn.

Tại khu vực bán hàng ăn uống, trong ngày khai hội không có tình trạng treo thịt động vật gây phản cảm nơi cửa Phật như mọi năm. Mùa lễ hội này, UBND huyện Mỹ Đức kiên quyết yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ăn uống, sau khi sơ chế thịt động vật phải đặt trên đĩa bày trong tủ kính. Trước mùa lễ hội, Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức tổ chức tập huấn cho các chủ hộ kinh doanh ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách thập phương. Huyện tổ chức các đội kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra các cửa hàng ăn uống để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu cửa hàng nào vi phạm có thể bị thu hồi hàng hóa, phạt hành chính, thậm chí phải đóng cửa.

Tại các di tích trong khu Hương Sơn, việc hành lễ của du khách mùa lễ hội này cũng có nhiều chuyển biến khi tình trạng lễ mặn không còn nhiều, Ban tổ chức không cho du khách đốt hương, mang vàng mã vào điện thờ chính. Vấn đề đổi tiền lẻ, chèo kéo khách cũng được Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đưa ra giải pháp triệt để. Các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trong lễ hội, những hộ cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đặc biệt, tình trạng chặt chém khách được hạn chế tới mức tối đa.

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn và kéo dài nhất trong năm, từ tháng Giêng đến hết tháng Ba. Dự kiến, mùa lễ hội năm nay, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, trẩy hội.

*Sáng 24/2, tại khu di tích lịch sử Cổ Loa diễn ra lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ công đức của An Dương Vương trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự và chiêm bái.

Lễ hội Cổ Loa tái hiện lại nghi lễ dân gian truyền thống độc đáo của nhân dân bát xã Loa Thành, đó là hội rước Bát xã Loa Thành mang đậm bản sắc truyền thống. Trong Bát xã: Anh cả Quậy, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sáp, Đại Bi, Cầu Cả, Thư Kưu thì đoàn anh cả Quậy được trọng vọng hơn cả trong việc đón tiếp và tế lễ vua. Theo văn bia và truyền thuyết tổ tiên làng Quậy, làng Quậy là dân chính gốc trên mảnh đất Bát xã Loa Thành. Khi ấy, vua An Dương Vương dựng đô và xây đắp thành Cổ Loa, tổ tiên làng Quậy thực hiện lệnh vua đã chuyển cư lập trang Hà Hào tức làng Quậy ngày nay. Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương tức vị lên ngôi Hoàng Đế, nhân dân làng Quậy vinh dự được vua ban cho vào chúc vua đầu tiên. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, Cổ Loa và làng Quậy vẫn thực hiện lời tiên đế để lại.

Nghi lễ rước kiệu diễn ra đúng phong tục truyền thống, thể hiện sự tri ân của người dân Bát xã Loa Thành đối với công lao của vua An Dương Vương cũng như tổ tiên trong buổi đầu dựng nước, giữ nước. Sau khi thực hiện nghi lễ dâng lễ Đức vua, các đoàn tiếp tục nghênh rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Trung và sân Rồng Hạ, vòng qua hồ Ngọc Tỉnh về tiếp tục về đình làng. Cùng với đó, dân làng thay phiên nhau cầu nguyện để tổ tiên phù hộ cho cuộc sống thái bình, thịnh vượng.

Trước đó, ngày 23/2, tại khu vực lễ hội tổ chức giải bóng chuyền da mở rộng, giải vật truyền thống, bắn nỏ Loa thành cùng các hoạt động biểu diễn múa rối nước, các chương trình văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và truyền thống./.

Nguồn: TTXVN
Các bài đã đăng:
Khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024(12/04/2024)
Thủ tướng yêu cầu áp dụng ngay giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2024(31/03/2024)
Việt Nam thắng lớn tại Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards 2023(07/09/2023)
Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra bảo đảm chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch năm 2023(22/05/2023)
Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023(13/04/2023)
Đón chờ các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn trong Năm Du lịch quốc gia Bình Thuận 2023(17/03/2023)
Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam tham dự Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế(21/12/2022)
Top địa phương thu nhiều tiền nhất từ du lịch 8 tháng đầu năm(13/10/2022)
Khai mạc sự kiện Liên kết - Sức mạnh du lịch Việt Nam(09/08/2022)
Hội nghị Ngành Du lịch thế giới 2022: Nhiều sáng kiến phát triển du lịch sau đại dịch(27/06/2022)
Tìm kiếm khách sạn
Trung tâm du lịch lớn
LỊCH SỰ KIỆN
Nov
29
2018
Ngày 29 tháng 11 năm 2018, tại Khách sạn Công đoàn ...
Jul
22
2018
Từ 22/7/2018 - 12/8/2018, Lễ hội Ẩm thực và Không gian ...
Mar
23
2018
Từ ngày 23 – 25/3/2018, Chương trình “Giới thiệu ẩm ...
Jul
26
2017
Sáng 21-7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa ban hành ...
Tin nổi bật
Liên chi hội khách sạn Việt Nam chính thức ra nhập hiệp hội khách sạn và nhà hàng ASEAN
Hà Nội Daewoo ra mắt bộ sưu tập Nguyệt Thoại – Story of the Moon
Khu nghỉ dưỡng với kiến trúc Bắc Bộ xưa tại Ninh Bình
Khu nghỉ dưỡng Bellerive Hội An Resort and Spa đạt chuẩn 5 sao
Cantho Eco Resort được công nhận là “Resort có cảnh quan đẹp, hấp dẫn tiêu biểu”
VHA Admarket
Nằm ở trung tâm thủ đô, bên cạnh công viên Thủ Lệ, trong quần thể khu vực các khách sạn cấp cao của thủ đô Hà Nội, gần các trung tâm văn hoá, thương mại, tài chính... Khách sạn Daewoo với các phòng nghỉ tiện nghi, nhà hàng sang trọng, phòng họp, phòng hội thảo... với dịch vụ chất lượng tiêu chuẩn quốc tế 5 sao...sẽ mang tới cho qúy khách sự hài lòng nhất để công tác và thư giãn.

Chỉ cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 25 km. Cách bãi biển Cửa Đại 4 km và Cách phố cổ Hội An 100 m từ khách sạn Hội An dễ dàng tham quan những điểm du lịch hấp dẫn khác như: Thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế, Thành phố Đà Nẵng với các điểm hấp dẫn như Bà Nà, Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Khu nghỉ mát có tới 23 hồ bơi cùng nhiều môn thể thao biển trên Bãi Dài – Cam Ranh. Cách Nha Trang một quãng đường ngắn và chỉ mất 20 phút đi xe từ Sân bay Quốc Tế Cam Ranh, khu nghỉ mát biệt lập của chúng tôi được bao quanh bởi các dãy núi với hệ thực vật phong phú và đồi cát rộng lớn.

Khách sạn IMPERIAL cung cấp đa dạng các tiện nghi và dịch vụ bao gồm The Dining Room (phòng ăn) có không gian ấm cúng và thoải mái như tại nhà, chuyên phục vụ các món ăn tươi ngon, sử dụng các nguyên vật liệu tươi ngon từ khắp nơi trên thế giới.