Theo quy định mới của Luật Xuất nhập cảnh về thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách du lịch tàu biển, khách tham quan ngắn hạn, thay vì trước đây chỉ cần một giấy phép tham quan cho cả tàu thì từ năm 2015 này, khách tàu biển nhập cảnh phải chụp hình, viết đơn đăng ký xin visa nhập cảnh…; lệ phí cấp visa tăng 9 lần từ khoảng 5 USD (hơn 100 ngàn đồng)/khách lên 45 USD (gần 1 triệu đồng)/khách.
Trao đổi với Báo Văn hóa, ngày 8/1 tại cảng biển quốc tế SPCT Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), đại diện Công ty du lịch Tân Hồng, một trong những đơn vị hàng đầu có thế mạnh đón và phục vụ hàng chục ngàn khách du lịch quốc tế tàu biển mỗi năm đến nước ta cho biết vừa mất gần 6 tiếng đồng hồ (từ 6h sáng đến hơn 11h trưa ngày 7.1) để làm thủ tục cho 654 khách quốc tế của tàu Crystal Symphony dừng chân tham quan TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây chỉ là những đoàn khách nhỏ mà thủ tục đã ngốn gấp nhiều lần thời gian so với quy trình cũ, còn đối với những đoàn tàu biển lớn với số lượng hàng ngàn khách xuống tàu một lần thì phải “huy động mọi lực lượng” mới mong hoàn tất thủ tục visa.
Điển hình là vào ngày 2/1/2015, để làm thủ tục cho 2.318 du khách Đức trên tàu Aida Sol tham quan TP.HCM, Công ty đã đề nghị được áp dụng visa quá cảnh như trước nhưng không được chấp nhận nên phải huy động toàn bộ nhân viên ra hỗ trợ các cán bộ đồn cửa khẩu biên phòng tất bật làm nhiều thủ tục rườm rà như điền thủ tục xin visa, chụp ảnh cho khách, dán mẫu visa vào hộ chiếu, ghi số hộ chiếu của khách vào mảnh giấy visa này, ghi ngày đến ngày đi… cũng như phải đóng 7 con dấu trên tờ giấy visa gồm dấu tên chỉ huy trưởng cửa khẩu biên phòng, dấu chức vụ của đồn trưởng, dấu của đồn biên phòng, dấu xác định tàu đến, dấu xác định tàu đi, dấu lưu trú… mất khoảng 15 giờ (gấp 7 lần thời gian so với trước đây) mới xong các thủ tục.
Qua đó cho rằng việc triển khai thực hiện quy định mới về thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách tàu biển quá nhanh (nhiều đơn vị nhận chỉ mới được công văn của Tổng cục Du lịch ngày 29.12.2014) nên bỡ ngỡ, thụ động trong việc ứng phó, dẫn đến khó khăn chung cho ngành du lịch tàu biển, đặc biệt là khiến cho đối tác nước ngoài lẫn du khách cảm giác phiền toái và cho rằng chúng ta làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Anh Đức Thiền, một hướng dẫn viên có kinh nghiệm trên 10 năm đón khách tàu biển phân tích, khách tàu biển quốc tế đa phần thuộc hạng sang với mức chi tiêu rất cao nên việc tăng lệ phí visa từ 5 USD lên 45 USD không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của họ. Tuy nhiên, đa phần khách đều tham gia các tour du lịch trong ngày nên việc mất quá nhiều thời gian làm thủ tục sẽ làm mọi người không còn thời gian để đi tour, dẫn đến bực bội và chán nản, do đó có thể không chọn nước ta làm điểm dừng chân thời gian tới nữa.
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt Đà (VietDa Travel) tại Đà Nẵng (một trong những địa phương có lượng khách tàu biển quốc tế đến hằng năm đáng kể) khẳng định lượng khách tàu biển đến nước ta thời gian tới sẽ giảm bởi trong khi ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực để các điểm đến ngày càng hấp dẫn khách quốc tế thì việc thêm thủ tục, tăng lệ phí của quy định này chẳng khác nào một rào cản phát triển du lịch.
Trở lại với Công ty du lịch Tân Hồng, vị đại diện của Công ty cho biết, phía Công ty đang dự tính cử người đến quốc gia có đối tác tàu biển sắp đến nước ta để tranh thủ lên tàu hướng dẫn khách làm trước một phần các thủ tục (như điền trước thông tin vào mẫu thủ tục visa, chụp ảnh thẻ cho khách…) góp phần giúp các đoàn tàu tiết kiệm bớt một phần thời gian khi làm thủ tục nhập cảnh tại cảng Việt Nam.
Tuy nhiên, phía Công ty đang rất cân nhắc bởi chi phí cho việc di chuyển, lưu trú trên tàu… của nhân viên, cộng với việc lệ phí visa của đối tượng này đã tăng lên 45 USD/ khách sẽ làm giá các tour tàu biển nước ta “đội” lên không ít, mất khả năng cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực. Bên cạnh đó, các công ty khác cho biết thêm, trước thông tin Luật Xuất nhập cảnh mới đối với khách du lịch tàu biển vừa có hiệu lực từ năm 2015, nhiều đoàn tàu biển đã phản hồi cho đơn vị, thông báo đang cân nhắc việc có nên đưa khách vào nước ta nữa hay không, mặc cho lịch trình cả năm 2015 trước đó đã được sắp xếp hết.
Liên quan tới việc thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Lãnh đạo TCDL cho biết đã nhận được rất nhiều phản ánh từ doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đa phần đều rất lúng túng và thấy khó khăn hơn vì thủ tục có nhiều thay đổi so với trước đây. TCDL sẽ sớm làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất, kiến nghị với Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 92/NQ-CP Về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nguồn: Báo Văn hóa