1. Thông tin về dịch bệnh do vi rút Ebola
Bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này, tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc với người mắc bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
a) Tình hình dịch bệnh trên thế giới
Vụ dịch do vi rút Ebola đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 người mắc bệnh, từ sau năm 1976 không có những vụ dịch lớn nhưng ghi nhận các vụ dịch lẻ tẻ tại 11 quốc gia vùng Châu Phi.
Từ tháng 12/2013 đến ngày 01/8/2014 dịch bệnh do vi rút Ebola đã bùng phát tại 04 quốc gia vùng Tây Phi (Guinera, Liberia, Siera Leone và Nigeria) với 1.063 người mắc bệnh (trong đó có 887 người tử vong). Đặc biệt là trong 09 ngày (từ 24/7-01/8/2014) đã có 285 người mắc bệnh, trong đó có 118 người tử vong và Tổ chức Y tế thế giới thông báo có trên 100 cán bộ y tế đã mắc bệnh do vi rút Ebola.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bệnh do vi rút Ebola cần được ưu tiên phòng, chống, triển khai gấp cả ở cấp quốc gia và quốc tế.
Nhiều quốc gia hiện đã triển khai các biện pháp tích cực để phòng, chống dịch. Các quốc gia trong vùng dịch bệnh đã tuyên bố cách ly nghiêm ngặt vùng nhiễm bệnh. Một số quốc gia khác (Mỹ, Anh, Trung Quốc…) đã tăng cường kiểm dịch y tế tại sân bay để phòng chống xâm nhập của vi rút Ebola qua khách nhập cảnh…
b) Tình hình tại Việt Nam
Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola
2. Nhận định tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola
- Dịch bệnh do vi rút Ebola lây lan nhanh do bản chất nguy hiểm của vi rút Ebola. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam thì bệnh được xếp vào nhóm A (nhóm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao).
- Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do vi rút Ebola có thể xâm nhập vào các nước, trong đó có Việt Nam thông qua khách du lịch và người lao động nhập cảnh đến từ các nước Châu Phi.
3. Các hoạt động đã triển khai phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola
- Công tác chỉ đạo, điều hành: Định kỳ họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh mới nổi để cập nhật thông tin và có kế hoạch ứng phó kịp thời; Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, Trung tâm Kiểm dịch y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường chỉ đạo, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh.
- Hoạt động truyền thông: Chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh đến các cơ quan thông tấn, báo chí; phối hợp với Đài Truyền hình, Đài Phát thanh xây dựng các chương trình đưa tin, hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên cập nhật thông tin quốc tế và tại Việt Nam về diễn biến tình hình dịch bệnh để truyền tải thông tin cho công chúng; phát hành tờ gấp tuyên truyền.
- Ban hành văn bản chuyên môn: ban hành hướng dẫn giám sát đối với bệnh do vi rút Ebola; ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam, phát hành tờ khai y tế với hành khách đến từ các nước vùng Tây Phi khi dịch bệnh lan rộng; hoàn thiện Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC) để kết nối và hỗ trợ các địa phương trong tình huống khẩn cấp; phối hợp với các tổ chức quốc tế chủ động triển khai giám sát các tác nhân gây bệnh và các trợ giúp khác khi cần thiết.
4. Các hoạt động trọng tâm cần thực hiện: trước diễn biến phức tạp và có nhiều nguy cơ lây lan của dịch bệnh do vi rút Ebola, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số hoạt động sau:
- Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình để chủ động các biện pháp phòng, chống.
- Tăng cường phối hợp liên ngành giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh qua cửa khẩu để kịp thời phát hiện, cách ly không để lây lan.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt tình hình, hiểu biết và chủ động phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch.
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu.
Nguồn: TITC