Đồng bào dân tộc ở Mộc Châu (Sơn La)
Tây Bắc là vùng đất có
nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ
và là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc với, nền văn hóa phong phú, đa
dạng. Cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc
phòng, công tác xúc tiến du lịch, tăng cường đối ngoại được các tỉnh Tây
Bắc hết sức chú trọng nhằm giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè
quốc tế về một vùng đất Tây Bắc hiền hòa, tươi đẹp, mến khách. Qua đó,
góp phần đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng,
xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Tây Bắc.
Bên cạnh những kết quả
tích cực, du lịch Tây Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chưa phát
huy được hết tiềm năng, chưa phát triển tương xứng cả về quy mô và chất
lượng; hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao; cơ sở hạ tầng chưa thực sự
phát triển; hoạt động du lịch còn rời rạc, sản phẩm du lịch chưa đa
dạng, chưa có thương hiệu thu hút thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, liên kết phát triển du lịch tại Tây Bắc chưa thực sự hiệu quả,
chưa huy động được nhiều nguồn lực đầu tư bởi những nguyên nhân khách
quan và chủ quan.
Thác Dải Yếm (Mộc Châu)
Chính vì vậy, để tạo
được bước đột phá thúc đẩy phát triển du lịch Tây Bắc, trong thời gian
tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh trong vùng Tây Bắc
cần tập trung hoàn thành quy hoạch và ưu tiên đầu tư phát triển các khu
du lịch quốc gia, đặc biệt là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Thác
Bản Giốc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Tân Trào
(Tuyên Quang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Sa Pa (Lào Cai), Thác Bà (Yên
Bái), Đền Hùng (Phú Thọ), Điện Biên Phủ - Bá Khoang (Điện Biên), Mộc
Châu (Sơn La), Hồ Hòa Bình (Hòa Bình) và 4 điểm du lịch quốc gia TP Lào
Cai, TP Lạng Sơn, Pắc Pó (Cao Bằng), Mai Châu (Hòa Bình).
Bên cạnh đó, tiếp tục
nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư phát triển
du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa,
đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Tập trung đẩy mạnh liên kết vùng
trong thực hiện quy hoạch, phát triển các sản phẩm du lịch, phát triển
nguồn nhân lực, góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại các địa phương.
Phó Thủ tướng giao Ban
Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao hàng năm tổ chức
các sự kiện, diễn đàn phát triển du lịch Tây Bắc gắn với đầu tư phát
triển thương hiệu du lịch Tây Bắc; tổ chức Hội nghị liên kết phát triển
du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Ngoại giao đoàn định kì 5 năm 1 lần. Đẩy
mạnh các hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và liên kết
giữa vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành, vùng trong cả nước để hợp tác đầu
tư phát triển du lịch.
Nguồn: TITC