Với mục đích tìm phương án tổ chức tốt nhất cho Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa, tạo đà cho du lịch xứ Thanh cất cánh, ngày 4/3, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm về công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia (DLQG) 2015. Sự kiện này do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về du lịch, văn hóa, các đơn vị lữ hành và một số đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL địa phương.
Nội dung na ná, dàn trải và chưa sáng tạo
Theo dự thảo Chương trình tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa, sự kiện này sẽ bao gồm một loạt các hoạt động diễn ra nhiều thời điểm trong năm 2014 và 2015.
Cụ thể, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp tổ chức 9 hoạt động chính; địa phương chủ nhà Thanh Hóa sẽ chủ trì tổ chức 12 sự kiện và cuối cùng là phần nội dung do các tỉnh thành phố trong nước có kinh đô tổ chức, bao gồm: Phú Thọ, TP Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Đánh giá về nội dung trong dự thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng, các hoạt động có phần na ná như các chương trình Năm DLQG của các địa phương khác, chưa có sáng tạo và điểm nhấn. Nội dung các sự kiện có phần dàn trải, chưa có sự gắn kết và chưa làm nổi bật những giá trị văn hóa tiêu biểu của xứ Thanh. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc tách hai sự kiện “Lễ công bố” và “lễ khai mạc” Năm DLQG là không cần thiết và gây lãng phí. Vì vậy, cần gộp hai hoạt động này và tổ chức thật hoành tráng vào đầu năm 2015 để mời gọi du khách đến với Thanh Hóa.
Góp ý về tên gọi của Năm DLQG 2015, nhiều ý kiến nghiêng về phương án đầu tiên trong 4 phương án được nêu dự thảo, đó là “Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa”. Theo Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tên gọi này vừa ngắn gọn, dễ nhớ, đồng thời dễ dàng triển khai nhiều nội dung đa dạng, phong phú cho Năm DLQG. Về chủ đề, nhiều ý kiến cho rằng những phương án mà dự thảo nêu ra chưa làm nổi bật những giá trị văn hóa, du lịch riêng của Thanh Hóa. Hầu hết các phương án đến gắn với kinh đô, trong khi đó những giá trị về kinh đô cổ của Thanh Hóa chưa đủ tiêu biểu và nổi bật nhất. GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã đề xuất chủ đề của Năm DLQG 2015 là “Kết nối các miền di sản”, vừa có thể giới thiệu những nét văn hóa, di sản và cả tiềm năng du lịch của xứ Thanh.
Cần quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch từ năm 2014
Vấn đề xúc tiến quảng bá thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia về du lịch và văn hóa. Nhiều đại biểu cho rằng, quảng bá vẫn là khâu yếu của các địa phương khi tổ chức Năm Du lịch quốc gia khi tiến hành quá chậm và chưa hiệu quả.
Theo chuyên gia du lịch Phạm Từ, Thanh Hóa cần xác định rõ mục tiêu cuối cùng của tất cả các nội dung trong Năm DLQG chính là thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế. Do vậy, tỉnh cần dồn sức đầu tư để làm thật tốt cho Năm DLQG, trong đó khâu xúc tiến quảng bá cần phải làm sớm. “Thanh Hóa cần phải tập trung triển khai ngay từ bây giờ may ra mới kịp. Ngay từ năm nay phải triển khai công tác xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, xây dựng những sản phẩm du lịch của Thanh Hóa để các đơn vị lữ hành đưa vào chào bán từ tháng 9/2014 để kịp đón khách đến vào năm 2015”, ông Phạm Từ cho biết.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu, nhất là các đơn vị lữ hành. Đại diện một đơn vị lữ hành cho rằng, Thanh Hóa cần ban hành kế hoạch tổ chức Năm DLQG 2015 sớm từ giữa năm 2014 để các đơn vị lữ hành kịp xây dựng sản phẩm và các ấn phẩm quảng bá từ tháng 5-6/2014 mới kịp chào bán cho du khách. Vị này cũng thẳng thắn bày tỏ rằng, sau tất cả các hoạt động quảng bá cho Năm DLQG thì chính các doanh nghiệp lữ hành mới là người làm du lịch trực tiếp, đưa khách đến với địa phương. Song thực tế, sự hiện diện của lữ hành tại các sự kiện Năm DLQG chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia văn hóa góp mặt tại buổi tọa đàm, các nội dung trong bản dự thảo chương trình Năm DLQG 2015 vẫn chưa làm nổi bật kho tàng di sản, văn hóa phong phú của Thanh Hóa như: văn hóa Đông Sơn, tín ngưỡng thờ Mẫu, các giá trị văn hóa dân gian và cả những nét văn hóa đương đại hiển hiện trong cuộc sống của người dân… TS Lê Thị Minh Lý, ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia góp ý: “Di sản văn hóa luôn có mối quan hệ mật thiết với du lịch và sự kiện Năm DLQG chính là cơ hội để nhận diện và phát huy những giá trị di sản nổi bật của Thanh Hóa để phát triển du lịch. Thực tế xu thế của du lịch thế giới hiện nay là khám phá những di sản văn hóa đang sống và cả những di sản đã “nằm xuống” từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên các hoạt động dự kiến cho Năm DLQG 2015 lại bị loãng, đặt ra quá nhiều mục tiêu dàn trải dễ dẫn đến việc thiếu hiệu quả”. Do vậy, TS Minh Lý cho rằng, Thanh Hóa cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thêm để tạo nên những sản phẩm du lịch mang đậm chất văn hóa và di sản của Thanh Hóa.
Đồng tình với ý kiến này, GS. TS Nguyễn Văn Huy (ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia) cho rằng, những giá trị về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán, cuộc sống đương đại… đều có thể góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. “Thanh Hóa có đạo Mẫu, lễ hội Đền Sòng… đều là những giá trị văn hóa tâm linh tiêu biểu mà những địa phương khác không có, tại sao không tận dụng?”, ông Huy bày tỏ.
Tọa đàm cũng ghi nhận một số ý kiến khác như: đề xuất cần đặt ra chỉ tiêu và đánh giá những thành tích đạt được của các Năm DLQG; Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; Tạo môi trường du lịch trong sạch, an toàn…
Hoan nghênh những ý kiến góp ý thẳng thắn tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ban tổ chức sẽ thu thập những đóng góp của các đại biểu và trình lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét và sớm ban hành chương trình chính thức để tạo điều hiện cho các đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa./.
(Theo: toquoc.gov.vn)