Theo đó, phạm vi nghiên cứu có quy mô khoảng 1.700 ha; phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng có quy mô 1.000 ha.
Mục tiêu của Quy hoạch chung nhằm phát triển Khu du lịch Thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của Quốc gia và tỉnh Cao Bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc có các khu chức năng và hạ tầng đồng bộ, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ theo hướng bền vững kết hợp với bảo vệ môi trường. Bố trí dân cư, hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch đảm bảo phát triển và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị cảnh quan đặc biệt của khu vực.
Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc là để tạo dựng một Trung tâm dịch vụ du lịch hiện đại là hạt nhân của toàn khu du lịch, đáp ứng được nhu cầu phát triển đa dạng của Khu du lịch thác Bản Giốc. Theo đó, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc, làm tiền đề cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển. Dự báo đến năm 2015 sẽ đón khoảng 350 nghìn lượt khách/năm, đến năm 2020 đón khoảng 1 triệu lượt khách/năm.
Quyết định cũng nêu rõ, đối với Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc, cần đánh giá vai trò, vị trí khu du lịch trong bối cảnh phát triển du lịch chung của tỉnh, của vùng và của quốc gia. Đặc biệt xem xét đến vai trò là Khu du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến quan trọng trong tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng (Cao Bằng - Bắc Kạn - Đồng bằng Bắc Bộ và Lạng Sơn - Cao Bằng - Hà Giang). Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá hiện trạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ... trong đó chú trọng tới phân tích những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực tới khu vực khai thác xây dựng Khu du lịch, lưu ý tới việc đánh giá giá trị cảnh quan thác Bản Giốc, sông Quây Sơn và hệ thống núi đồi, hang động (động Ngườm Ngao), coi đây là những yếu tố đặc trưng của Khu Du lịch cần đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất.
(Nguồn: ĐCSVN)