Nơi đây có hệ sinh thái động, thực vật rất đa dạng như: hệ sinh thái rừng tràm, lau sậy, đầm sen, bông súng, hệ sinh thái ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây và các loại động vật như cá, rắn, rùa, chim cò...; nhiều điểm du lịch đẹp như: Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa), điểm du lịch Phước Lộc Thọ (huyện Đức Hòa), điểm du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (TP. Tân An), vườn hoa kiểng Thanh Tâm (TP. Tân An), Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa), khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng)… Những nguồn tài nguyên này chính là lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười.
Ngoài ra, Long An cũng rất phong phú về hệ thống các di tích như: cụm di tích Bình Tả, An Sơn (huyện Đức Hoà), di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (TP. Tân An), di tích đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước), ngôi nhà trăm cột (huyện Cần Đước), Chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc) cùng các làng nghề truyền thống như làng dệt chiếu ở các xã Nhựt Ninh, An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ), xã Long Cang, Long Định, Phước Vân, Long Sơn (Cần Đước), làng nấu rượu Gò Đen (huyện Bến Lức); làng làm trống Bình An; làng đóng ghe, xuồng mũi đỏ ở xã Long Hựu Tây (huyện Cần Đước)… Đặc biệt, Long An còn chứa đựng kho tàng văn hoá Óc-Eo đồ sộ, một nền văn hoá đã hình thành và phát triển trong khu vực châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên do tiếp nhận tinh hoa văn hoá Ấn Độ. Hiện gần 20 di tích tiền sử và gần 100 di tích văn hoá Óc Eo đã được khai quật, thu thập 12.000 hiện vật có giá trị.
Hệ thống giao thông ở Long An khá thuận tiện với quốc lộ 1A chạy qua TP. Tân An, quốc lộ 62 qua cửa khẩu Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa) sang Campuchia, quốc lộ 50 từ Mỹ Tho (Tiền Giang) qua huyện Cần Đước, Cần Giuộc tới TP. Hồ Chí Minh.
Với tiềm năng du lịch đa dạng, Long An hiện đang là điểm đến hấp dẫn du khách. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, Long An đã đón 283.000 lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu 6 tháng đầu năm là 80 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm tăng trưởng lượng khách trong thời gian tới, Long An đã đưa ra chiến lược Phát triển du lịch Long An thành một điểm hẹn du lịch của khu vực miền Tây Nam Bộ. Theo đó, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; xây dựng, giới thiệu sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Long An (rượu đế Gò Đen, gạo nàng thơm chợ Đào, cây khóm Bến Lức, thanh long Châu Thành, dưa hấu Long Trì…); khai thác du lịch, văn hóa ẩm thực với việc tổ chức các khu ẩm thực ban đêm tại các trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ của khu chợ đêm thành phố Tân An, Mộc Hóa, Đức Hòa, Bến Lức, đồng thời hướng dẫn và khuyến khích các đơn vị kinh doanh ẩm thực trên địa bàn tỉnh phục vụ du khách các món ăn đặc trưng của Long An và khu vực Đồng Tháp Mười như: lẩu mắm kho, cá lóc nướng trui, canh chua cá ngát, bánh xèo Kim Thuỷ, nem nướng Huỳnh Hoa Tửu, bò nướng Anh Đào, cơm Nhà Lá, lẩu dê Việt Ấn...; khai thác các loại hình du lịch mùa nước nổi, du lịch sinh thái rừng tràm, du lịch kênh, rạch, miệt vườn; du lịch nghỉ dưỡng dành cho du khách nghỉ ngắn ngày hay cuối tuần; tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh, trong đó tập trung liên kết với các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Lào… và các địa phương trong cả nước nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…
Đối với phương hướng liên kết du lịch với các địa phương trong nước, sau khi Long An ký kết hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2010, qua 5 năm thực hiện, đã thu được một số kết quả đáng kể như: giúp ngành du lịch hai địa phương có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau phát triển; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản phẩm văn hóa và du lịch…
Long An và TP.Hồ Chí Minh đã ký kết thêm một chương trình hợp tác du lịch giai đoạn 2011-2016 với mục đích cùng hỗ trợ phát huy tiềm năng du lịch của hai địa phương nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung; khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, giải quyết nhu cầu thực tiễn của địa phương và tạo ra một động lực mới đối với việc phát triển du lịch bền vững của toàn vùng; thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài khu vực; tạo sản phẩm du lịch, tour, tuyến liên vùng hoàn chỉnh và giới thiệu, quảng bá du lịch vùng đến du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Long An cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh về công tác quản lý, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương, tạo tiền đề cho sự hợp tác trong giai đoạn tới. Ngành du lịch tỉnh còn thường xuyên cung cấp thông tin về các điểm du lịch, chương trình tour đến các doanh nghiệp, liên kết phối hợp xây dựng các sản phẩm, tour du lịch kết nối với các tuyến, điểm du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh, Long An và các tỉnh lân cận.
Với những nỗ lực trên, du lịch Long An trở thành một trong những điểm đến tiêu biểu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thanh Hả