Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn, việc tiết kiệm chi phí sản xuất đã và đang trở thành vấn đề quan trọng đối với các DN. Đặc biệt, khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực, việc TKNL đã ngày càng trở nên cấp thiết với DN. Thỏa thuận tự nguyện TKNL (hay thỏa thuận được đàm phán) giữa Chính phủ và ngành công nghiệp có thể là một công cụ chính sách hứa hẹn để giải quyết vấn đề sử dụng năng lượng. Đan Mạch, Hà Lan và Anh được coi là những quốc gia thành công nhất trong việc xây dựng các thỏa thuận tự nguyện này.
Thỏa thuận tự nguyện bao gồm 3 công cụ chính: Cam kết đơn phương (DN, tổ chức tự cam kết mục tiêu TKNL); Chương trình tự nguyện công (Chính phủ đưa ra sáng kiến, tiêu chí và điều kiện thành viên, tuy nhiên việc tham gia của DN là tự nguyện); Các thỏa thuận tự nguyện hay thỏa thuận được đàm phán (Nhà nước và các ngành công nghiệp thỏa thuận với nhau về các vấn đề về môi trường, DN tham gia tự nguyện, có thể ràng buộc hoặc không ràng buộc với thỏa thuận này).
Chia sẻ về những lợi ích của thỏa thuận tự nguyện, bà Dian Phylipsen – Tư vấn quốc tế cho biết: Thỏa thuận tự nguyện có khả năng áp dụng nhanh hơn, đòi hỏi ít chi phí hành chính hơn, mang đến sự linh hoạt hơn trong việc lựa chọn mục tiêu, đảm bảo DN hợp tác tốt hơn, chủ động hơn trong các mục tiêu TKNL, đòi hỏi nguồn tài trợ công ít hơn… Bên cạnh đó, về phía DN, thỏa thuận tự nguyện sẽ giúp DN TKNL, giảm chi phí; Tính toán được chắc chắn được chi phí năng lượng; Tránh được những chính sách cứng rắn hơn trong tương lai…
Trước những thuận lợi như vậy, cơ chế thỏa thuận tự nguyện TKNL trong công nghiệp đang được nghiên cứu để xây dựng tại Việt Nam.Trong khuôn khổ dự án, 5 nhà máy dự kiến sẽ được lựa chọn để thí điểm thỏa thuận tự nguyện, sau đó sẽ mở rộng ra các nhà máy khác.
Cơ chế thỏa thuận tự nguyện TKNL trong công nghiệp là một phần của dự án TKNL và Sản xuất sạch hơn đang được triển khai tại Việt Nam.
News