Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại và Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn chủ trì buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại; đại diện một số Vụ, đơn vị chức năng trực thuộc Tổng cục Du lịch cùng đại diện các sở ban ngành, một số doanh nghiệp lữ hành và khách sạn của tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều đánh giá cao tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Thuận, một vùng đất thuộc Nam Trung bộ, có sự kết hợp giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả với những thắng cảnh tuyệt đẹp như: bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy, vườn quốc gia Núi Chúa…; bên cạnh đó là các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của nền văn hoá Chăm như: tháp Pô Klông Garai, tháp Pôrômê, tháp Hoà Lai... Đặc biệt, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa liên kết vùng Khánh Hoà - Ninh Thuận - Đà Lạt, gần sân bay Cam Ranh (Tp. Nha Trang), tỉnh Ninh Thuận có đầy đủ điều kiện cần thiết để phát triển du lịch.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển du lịch, trong đó tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển hạ tầng, xây dựng các điểm đến du lịch, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2012, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận đạt 950 nghìn lượt khách (tăng 16% so với năm 2011), trong đó khách quốc tế đạt 80 nghìn lượt (tăng 29% so với năm 2011); tổng thu du lịch ước đạt 440 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2011). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, Ninh Thuận đã đón và phục vụ 620 nghìn lượt khách (tăng 29,19% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó khách quốc tế đạt 36.100 khách (tăng 22,44% so với cùng kỳ năm 2012); tổng thu du lịch ước đạt khoảng 260,05 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 68 cơ sở lưu trú với khoảng 1.620 buồng, trong đó trên 30% số buồng đạt chuẩn 3 sao; công suất sử dụng buồng đạt 60%. Bên cạnh đó, nhiều dự án về du lịch đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép, trong đó có 25 dự án du lịch cao cấp với tổng vốn đầu tư gần 8 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch Ninh Thuận vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, thiếu đồng bộ; nhận thức của cộng đồng nhân dân tại các điểm du lịch còn thấp; cảnh quan môi trường bị ô nhiễm; các cơ sở lưu trú phân bố không đồng đều; các dịch vụ du lịch chưa phong phú; sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng; đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch tuy đã được đào tạo nhưng chất lượng chưa cao, trình độ ngoại ngữ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; đầu tư du lịch còn nhiều hạn chế…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn kết luận, mặc dù có tiềm năng phong phú, đa dạng nhưng thời gian qua, hoạt động kinh doanh du lịch của Ninh Thuận vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh nên sản phẩm du lịch vẫn chưa đặc sắc, chưa khẳng định được thương hiệu đặc trưng của địa phương. Theo Tổng cục trưởng, thời gian tới, Ninh Thuận cần có những giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh, trong đó chú trọng khai thác có hiệu quả các sản phẩm có ưu thế, nổi bật và đặc trưng về văn hoá, lịch sử, tự nhiên; định hướng, quy hoạch du lịch biển hướng tới hai đối tượng khách là khách du lịch đại chúng và khách du lịch cao cấp, tạo sự khác biệt với các tỉnh lân cận; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch vùng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức người dân tại các điểm du lịch; thu hút nhà đầu tư có đẳng cấp, chú trọng tới chất lượng (ví dụ khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Núi Chúa); tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch…
Hy vọng, với những giải pháp thiết thực và đồng bộ trên, du lịch Ninh Thuận sẽ đạt được mục tiêu đón 1 triệu lượt khách trong 6 tháng cuối năm 2013 (trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế), tạo tiền đề cho sự phát triển của du lịch Ninh Thuận trong những năm tiếp theo.
Bài: Phạm Phương; ảnh: Đạo Dũng