Tại buổi thảo luận, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch) đã trình bày những nội dung chính của đề tài, trong đó tập trung vào thực trạng phát triển du lịch thế giới và khu vực; dự báo xu hướng và kinh nghiệm của một số nước; những cơ hội, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị đối với du lịch Việt Nam. Theo đó, trong những năm qua, tình hình du lịch thế giới và khu vực có sự tăng trưởng liên tục nhưng khác nhau ở từng giai đoạn. Số lượng khách du lịch quốc tế đạt 940 triệu lượt (năm 2010), 983 triệu lượt (năm 2011) và chạm mốc 1 tỷ lượt (năm 2012). Trong đó, tính đến năm 2011, châu Âu vẫn là thị trường thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất (504 triệu lượt), tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương (217 triệu lượt). Tổng thu du lịch quốc tế ước đạt 928 tỷ USD (năm 2010) và 1.030 tỷ USD (năm 2011). Việt Nam hiện nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN và top 100 điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2010 (34,8%) và năm 2011 (19,1%) nhưng mức tăng tuyệt đối của Việt Nam vẫn chưa bằng Thái Lan và Singapore. Thị trường nguồn của du lịch Việt Nam (năm 2012) theo khu vực là: Đông Bắc Á (46%), ASEAN (20%), Châu Âu (13%), Bắc Mỹ (8%), Thái Bình Dương (5%) và thị trường khác (8%). Mục đích chuyến đi của khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2012) là: du lịch, nghỉ ngơi (61%), công việc (17%), thăm thân nhân (17%) và các mục đích khác (5%).
Khách du lịch trong thời gian tới trên phạm vi toàn cầu chủ yếu là thế hệ sinh năm 1977 đến 1993. Họ có thói quen phản hồi về chất lượng dịch vụ qua các mạng xã hội và đến năm 2020 sẽ là những nhà lãnh đạo, quản lý và lực lượng tiêu dùng chính. Xu hướng đi du lịch sẽ là theo hoạt động hơn là theo điểm đến; du lịch nội vùng đến các điểm đến gần.Vì vậy, các điểm đến và các nhà cung cấp dịch vụ cần có chiến lược phát triển du lịch phù hợp. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch ngày càng được đẩy mạnh; các sản phẩm du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và du lịch xanh được chú trọng cũng đặt ra yêu cầu đối với công tác quy hoạch, chính sách, tiêu chuẩn hóa ngành du lịch.
Thực trạng và xu hướng du lịch thế giới tạo cho du lịch Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển như: nhu cầu du lịch thế giới và khu vực ngày càng tăng; xu thế hợp tác khu vực ngày càng được đẩy mạnh; nguồn khách du lịch nội vùng châu Á - Thái Bình Dương và khách du lịch cao cấp từ châu Âu, châu Mỹ rất lớn. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với du lịch Việt Nam đó là sự cạnh tranh với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực, xây dựng sản phẩm đặc thù nổi bật đáp ứng nhu cầu của từng phân đoạn khách du lịch, marketing và khả năng tiếp cận từ bên ngoài.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, dự báo xu hướng du lịch thế giới cũng như cơ hội, thách thức đối với du lịch Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất đối với ngành du lịch Việt Nam như: đề cao vai trò phát triển du lịch; kiện toàn tổ chức bộ máy ngành du lịch, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, áp dụng chính sách tài chính, marketing điểm đến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư, quản lý phát triển du lịch bền vững...
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện đề tài như: cung cấp thêm số liệu và thống kê du lịch đến năm 2012; giải thích rõ hơn một số thuật ngữ; bổ sung tác động của du lịch thế giới và khu vực đến sự phát triển của du lịch Việt Nam, các xu hướng về khách du lịch, sản phẩm du lịch và công tác quảng bá xúc tiến du lịch; tổng kết nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm đối với du lịch Việt Nam…
Phát biểu tổng kết buổi thảo luận, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và khẳng định đây sẽ là tài liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu và bổ sung những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các đơn vị sự nghiệp cung cấp những thông tin cần thiết để nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài.
Phạm Phương - Thúy Hằng