- Ông có cảm xúc gì khi xem clip quảng bá Nha Trang do một công ty du lịch Hàn Quốc thực hiện?
- Clip đó do một công ty ở Hàn Quốc tự làm, quảng bá nét đẹp du lịch Việt Nam cho du khách Hàn Quốc. Trong clip hình ảnh đẹp lung linh, cho thấy một Việt Nam hiện đại, sôi động và đang phát triển. Người Hàn Quốc rất giỏi trong việc này, họ muốn thúc đẩy quảng bá du lịch đến miền Trung sau khi có đường bay thẳng từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng và nối chuyến đến Nha Trang.
Cách làm clip của người Hàn Quốc khác với những clip mà chúng ta đã quảng bá ở châu Âu, Mỹ. Các nhà quay phim châu Âu đã giới thiệu những điểm đặc sắc ở Việt Nam như gánh hàng rong, chợ đêm, đi lễ chùa. Những cái đó khách du lịch ở Đông Bắc Á thấy gần gũi rồi, nên các công ty Hàn Quốc muốn giới thiệu cái gì hiện đại, sôi động.
Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế. Ảnh: ĐL
- Ông đánh giá thế nào về các clip quảng bá mà các công ty du lịch Việt Nam thường đưa ra nước ngoài trình chiếu?
- Từ xưa đến nay, khi chúng ta đi quảng bá du lịch thì công ty trong nước hay cơ quan quản lý thường đặt hàng hãng phim, xây dựng theo chủ đề nhất định. Cách làm này cũ, không hấp dẫn, đặc biệt với khách nước ngoài vì chỉ mang tính tư liệu, đôi khi khiến người nước ngoài nhàm chán. Cái chúng ta đang thiếu ở đây là các clip quảng bá cho số đông, phù hợp với từng địa bàn, từng quốc gia.
- Vậy tại sao chúng ta không làm được những clip quảng bá đẹp?
- Tôi nghĩ là nghệ thuật làm phim quảng bá ở Việt Nam đã bắt đầu có. Song qua theo dõi, cả những quảng cáo thương mại mà chúng tôi đã cấp phép thì phần lớn là do người nước ngoài làm. Đạo diễn nước ngoài, quay phim nước ngoài, thậm chí hậu kỳ làm phim nhựa cũng ở nước ngoài.
Điều đó chứng minh trình độ thiết kế, làm clip của ta chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng. Tôi nghĩ cần nâng cao trình độ sản xuất quảng cáo của người Việt Nam, nếu không thị trường quảng cáo sẽ do người nước ngoài nắm giữ.
- Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, do thiếu kinh phí nên mới không thực hiện được các clip quảng bá, ông nghĩ sao?
- Đúng là một phần thiếu kinh phí, chúng ta đã phải huy động các nhà làm phim tài liệu, phim truyện đi làm phim quảng cáo, còn nếu thuê người nước ngoài làm thì rất là đắt. Vì ta sẽ phải chi tiền vé máy bay, tiền ăn ở, chi phí sáng tác, làm bối cảnh… Với chương trình quảng bá trên CNN trong 3 tháng, mỗi ngày phát clip 30 giây cộng với chi phí làm clip để trình chiếu, tổng cộng phải chi 160.000 USD. Lần sau họ tăng giá lên 200.000 USD.
Chính phủ mỗi năm đầu tư xúc tiến du lịch là 50 tỷ đồng (tương đương 2,5 triệu USD). So với các nước là quá nhỏ, như Malaysia đầu tư 80 triệu USD, Thái Lan 70 triệu USD, và Singapore gần 60 triệu USD. Tôi có hỏi dò lãnh đạo ngành du lịch Malaysia về kinh phí làm clip Truly Asia thì họ cho biết đã đầu tư khoảng 1 triệu USD.
Thiếu kinh phí nên mỗi năm chúng ta chỉ mời được 1-2 đoàn lữ hành, báo chí tại các thị trường trọng điểm vào khảo sát. Theo tôi, chúng ta cần có ít nhất khoảng 10 triệu USD để cho công tác quảng bá du lịch.
- Trong khi nguồn đầu tư khó khăn, tại sao vẫn chi phí quảng bá tại các kênh truyền hình lớn với kinh phí lớn?
- Quảng bá du lịch trong nước do Tổng cục Du lịch làm, còn quảng bá du lịch ra nước ngoài do Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện. Quảng bá trên các kênh truyền hình châu Âu, Mỹ tôi đánh giá là có hiệu quả, bởi dựa vào những tiêu chí như lượng khách nước ngoài đến năm sau cao hơn năm trước và báo cáo của các hãng truyền hình BBC, CNN về số người xem, số người truy cập website. Tôi không nghĩ các cơ quan truyền thông lớn làm giả báo cáo.
Các clip mà hãng truyền hình lớn thực hiện tôi thấy rất ấn tượng, mang tính bản sắc, dân tộc như hình ảnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ thay ca đổi gác, chợ cóc, hàng rong mang đậm nét Việt Nam. Người châu Âu đã qua thời hiện đại nên muốn quay trở lại truyền thống, những cảnh như thế họ thấy rất hấp dẫn.
- Sau khi xuất hiện clip du lịch Nha Trang gây xôn xao dư luận, ông thấy cần rút kinh nghiệm gì cho công tác quảng bá của du lịch Việt Nam?
- Tôi nghĩ rằng công tác quảng bá trong nước còn nhiều hạn chế, cần phải cải tiến. Nhìn lại thị trường du lịch hàng năm, người Việt Nam đi nội địa tăng nhiều lần so với nước ngoài đến, năm 2010 có 25 triệu người đi du lịch trong nước, còn người nước ngoài vào chỉ hơn 5 triệu. Đây là nguồn thu lớn cho du lịch. Do vậy, chúng ta phải có đầu tư quảng bá tuyên truyền mạnh hơn nữa, nhất là quảng bá trong nước.
Trong năm tới, các nhà quản lý cần đầu tư làm nhiều clip ở nhiều vùng miền, như quảng bá tập trung tại khu vực đồng bằng sông Hồng.