Đạt được giá trị của “thương hiệu” di sản là điều không dễ. Chỉ riêng việc nâng tầm từ thương hiệu quốc gia lên đến thương hiệu thế giới đã làm tăng nguồn thu lên đáng kể. Theo thống kê của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì trước khi được công nhận Di sản thế giới năm 1993, Di tích cố đô Huế chỉ thu về được vài trăm triệu đồng từ tiền bán vé. Vậy nhưng sau khi được công nhận Di sản, con số này đã lên đến gần 100 tỷ đồng năm 2009, 2010. Còn theo báo cáo của Ban quản lý Vịnh Hạ Long thì năm 1996, số lượng khách tham quan chỉ vọn vẹn có 236 nghìn lượt khách, doanh thu từ việc bán vé tham quan khoảng 1,2 tỷ đồng – một con số quá nhỏ so với tầm vóc của Vịnh Hạ Long. Nhưng sau khi được công nhận Di sản, con số này đã tăng lên từng năm và đến năm 2011 đã có 6 triệu lượt khách tham quan vịnh trong đó có khoảng 2,6 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ việc bán vé từ con số khiêm tốn là 1,2 tỷ đã lên đến hơn 100 tỷ đồng. Gần hơn, Di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bảng sau khi được cầm trên tay tấm bằng công nhận đã mang về cho Tỉnh một khoản đóng góp trên 10 tỷ đồng mỗi năm.
Chỉ vài con số như vậy đã đủ để thấy giá trị của ‘”thương hiệu di sản” lớn đến mức nào. Song nếu đúng như nghiên cứu khảo sát của Unesco thì mỗi Di sản sau khi được công nhận sẽ có thể thu về 500 triệu đô cùng với khoảng 10 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Nếu đem con số này ra để làm thước đo thì các di sản thế giới của Việt Nam vẫn còn xa mới theo được. Nhưng giả sử chúng ta làm được điều này thì sẽ thế nào? Bài toán này hẳn rất nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia ngành du lịch, văn hóa đã tính đến và thầm ao ước. Với con số 500 triệu đô thu về từ các di sản, kèm theo 10 triệu lượt khách thăm quan thì không chỉ ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc, nguồn thu ngân sách sẽ có thêm những con số không hề nhỏ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà chính Di sản của chúng ta sẽ nâng tầm trên thế giới.
Để có thể hiện thực hóa việc này là một điều không đơn giản và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song điều chính yếu nhất là Di sản và du lịch cần phải biết dựa vào nhau.
Giá trị của Di sản là điều không thể phủ nhận như đã phân tích song nếu chỉ trông chờ vào những thứ đã có sẵn của Di sản thì Di sản cũng không thể phát triển hay phát huy tốt được các giá trị của mình. Ngành du lịch bên cạnh việc khai thác Di sản thì cần hơn phải có một tầm nhìn chiến lược để có thể phát huy lâu dài và nâng cao các giá trị di sản.
Nói một cách khác nôm na đó chính là sự đầu tư, nâng cấp chứ không nên chỉ khai thác, tận thu cái có sẵn. Vịnh Hạ Long là một ví dụ khá cụ thể, ai đã từng tham quan Vịnh Hạ Long hẳn đã đều nhìn thấy Cảng tàu du lịch Bãi Cháy với quy mô rất vừa phải nhưng tàu thuyền chật như nêm, đặc biệt trong những ngày lễ hay mùa du lịch cao điểm thì không còn chỗ để thở. Tàu lớn, tàu bé, tàu cao cấp, thấp cấp lộn xộn, nêm chật vào nhau, khách tham quan xếp hàng mấy vòng giữa trời mưa, nắng để qua được 2 cửa soát vé. Cảnh tượng chen chúc thăm quan tại các điểm thăm quan trên Vịnh như đảo Titov, hang Sửng Sốt, hang Đầu Gỗ đi kèm với bến tầu, thuyên neo đậu tạm bợ vào các điểm thăm quan này tạo cho du khách một cảm giác bất ổn. Đấy mới có khoảng 6 triệu lượt khách mà đã như thế thì thử hỏi nếu trên 10 triệu lượt thì liệu Vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên thế giới của chúng ta sẽ ra sao?
Vịnh đẹp là thế song vấn còn những hình ảnh không đẹp như thế này
Còn với Di tích Cố đô Huế thì ai đã từng thăm quan nơi đây cũng có cảm giác sợ vì phải trả quá nhiều tiền..Thăm cái gì ở Huế cũng phải trả tiền, một ngày nếu du khách đi tham quan hết các điểm trọng nội đô Huế thì riêng tiền vé thăm quan đã lên tới vài trăm nghìn đồng chưa kể đến việc phải chi tiêu cho các dịch vụ khác.
...cảnh bán hàng rong chèo kéo du khách trước cổng vào Đại Nội, Huế
Một ví dụ nữa là Phong Nha – Kẻ Bàng, động Phong Nha được biết đến với vẻ đẹp của núi đá và nước thế nhưng nếu chẳng may du khách đến thăm quan vào ngày mưa và nước mưa ở thượng nguồn đổ về thì ôi thôi chỉ có thể đứng ở cửa hang mà ngắm. Đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiềm, xả rác làm dòng sông Son nước đã chuyển từ màu xanh lục đặc trưng sang mầu đục đục…
Nói vậy để thấy rằng nếu ngành du lịch chỉ biết tận thu trước mắt mà quên đi những chiến lược lâu dài và gìn giữ, bảo vệ các di sản thì các di sản không những không thể phát huy được giá trị của mình mà sẽ sớm bị đưa vào danh sách di sản có nguy cơ bị đe dọa. Và nếu di sản mất đi thì chúng ta sẽ làm gi để chuộc tội với đất nước, làm gì để hồi sinh di sản?
Cái khó của chúng ta là thiếu một quy hoạch chiến lược, đa phần các Di sản ở địa phương nào thì đều theo kế hoạch phát triển của địa phương đó, ngành Du lịch chưa có sự thống nhất trong phương án hành động. Việc khai thác du lịch hầu như do các công ty du lịch tự xoay sở thực hiện vì thế tình trạng khai thác, tận thu kiểu ăn xổi vẫn đều đều diễn ra với các di sản.
Lẽ ra việc nâng cấp cảng Bãi Cháy cần phải tính đến từ nhiều năm trước chứ không phải để đến tận hôm nay khi tình trạng quá tải ngày càng tăng và Vịnh Hạ Long đã không chỉ là Di sản thiên nhiên mà đã là Kỳ quan thế giới, khách tham quan vẫn phải chen nhau trong một bến cảnh chật trội, không có chỗ đứng.. Vẫn biết phải thu tiền từ việc tham quan các Di sản xong việc thu cũng cần xem xét và có quy hoạch cụ thể. Với Phong Nha – Kẻ Bảng, tỉnh cũng cần có những kế hoạch phát triển du lịch chứ không chỉ trông vào việc khai thác du lịch kiểu tự phát của các công ty dẫn đến tình trạng lộn xộn và ngày càng ô nhiễm khu vực Di sản. …
Nếu như chúng ta không dừng lại việc ăn xổi để xây dựng chiến lược lâu dài cho phát triển du lịch đồng thời là phát huy thế mạnh di sản thì điều gì sẽ xảy ra ?. Trên thế giới đã có không ít quốc gia bị tước danh hiệu Di sản do không thực hiện đúng cam kết. Năm 2006, Thung lung Elbe nằm trong danh sách các Di sản thế giới có nguy cơ bị hư hại do chính quyền nơi đây lên kế hoạch xây dựng cây cầu Waldschloesschen với 4 làn đường ngay chính giữa di sản. Unesco mặc dù đã cảnh báo song chính quyền địa phương vẫn xây dựng phá hỏng toàn bộ không gian làm nổi bật giá trị của Thung lũng Elbe, vì thế Thung lũng đã bị Unesco tước bằng công nhận di sản.
Thung lũng Elbe đã bị Unesco tước bằng công nhận di sản do xây dựng một cây cầu bốn làn xe dù đã được cảnh báo
Năm 2008 và 2009, Vịnh Hạ Long cũng đã được Unesco cảnh báo về tình trạng ô nhiễm. Đồng thời cố đô Huế, phố cổ Hội An cũng đã bị nhận những cảnh báo do tham vọng khai thác với một tầm nhìn quá ngắn hạn. Tuy mới chỉ là cảnh báo nhưng đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh của Unesco gióng lên với các nước đang sở hữu những di sản vô giá mà không biết giữ gìn, khai thác.
Vậy là đã đến lúc để Di sản có thể phát huy hết các giá trị của mình, để ngành du lịch phát triển xứng tầm một đất nước sở hữu đến 16 di sản và 1 kỳ quan thế giới. Di sản và Du lịch cần phải hợp sức.
Nguyễn Hương