Chúng ta từng chứng kiến những thời điểm lịch sử khi vịnh Hạ Long được vinh quang đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới tháng 12 năm 1994 với giá trị ngoại hạng về cảnh quan đá vôi Karst và tháng 11 năm 2000 với giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo do tổ chức UNESCO đầy uy tín vinh danh.
Uy nghi và trầm mặc, hoành tráng và lộng lẫy, duyên dáng và thơ mộng, Hạ Long đã trải qua một quá trình hình thành, vận động, kiến tạo hàng trăm triệu năm; kiên nhẫn, bền bỉ để thời khắc đó bước lên kỳ đài vinh quang, trở thành tài sản chung của nhân loại. Vào thời điểm đó, những ai quan tâm đến vịnh Hạ Long đều thấy rạo rực, xúc động và bồi hồi dự cảm rằng, một chân trời mới đã mở ra đối với Hạ Long.
Nhưng niềm vinh quang dành cho vịnh Hạ Long chưa dừng lại ở đó. Cách đây ba tháng, chúng ta lại được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử mới khi vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Đây thực sự là một điều kỳ diệu. Chúng ta đã kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi cùng với sự ủng hộ, góp sức của bạn bè bốn biển năm châu, tổ chức và duy trì một cuộc bầu chọn cho Hạ Long, một cuộc chạy đua cùng hàng trăm địa danh khác trên khắp hành tinh, một chiến dịch kéo dài suốt 4 năm, một chiến dịch không dành cho những ai hụt hơi, yếu sức, thiếu kiên định. Sự kiện này một lần nữa mở ra một trang mới rạng rỡ cho Hạ Long.
Nhưng hơn ai hết, chúng ta cũng biết rõ rằng, bên cạnh niềm vinh quang đó là những thách thức, phía sau vương miện lấp lánh vầng hào quang là những thử thách, khó khăn. Một thời kỳ mới đã mở ra đối với Hạ Long, buộc chúng ta phải đặt ra và trả lời câu hỏi lớn: Chúng ta sẽ định vị tầm nhìn và ứng xử với Hạ Long như thế nào để xứng đáng với danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới, kỳ quan thiên nhiên thế giới mới? Sau này, khi thời gian trôi đi, các thế hệ mai sau sẽ đánh giá và phán xét hành động của chúng ta ngày hôm nay.
18 năm qua từ khi vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ban, ngành của Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức quốc tế khác, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có những nỗ lực không mệt mỏi với nhiều nghị quyết, chương trình hành động chuyên đề về Hạ Long, nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Hạ Long, không ngừng nâng cao vị thế và sự hấp dẫn của Hạ Long ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Thành tựu nổi bật là sự chuyển biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường di sản Hạ Long của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các đối tác được hưởng lợi từ Hạ Long mà việc di chuyển các hoạt động khai thác sàng tuyển, vận chuyển, bốc rót than trên vịnh Hạ Long và vùng ven bờ là một đột phá. Bộ mặt đô thị của thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và các địa phương trong vùng không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư cho việc thu gom rác thải, xử lý nước thải ở đô thị và trên mặt vịnh được quan tâm.Hệ thống văn bản pháp lý và thể chế, chính sách, bộ máy tổ chức, nhân lực cho công tác quản lý, khai thác vịnh Hạ Long được chú trọng. Mô hình và hoạt động của Ban Quản lý vịnh Hạ Long được đánh giá là thành công và tạo ra được một số kinh nghiệm hữu ích đối với các di sản thế giới khác của Việt Nam. Vị thế và hợp tác quốc tế của Hạ Long trong khu vực và trên thế giới được mở rộng và nâng cao. Chúng ta đã nghiêm túc thực hiện những cam kết quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về bảo tồn di sản tự nhiên và văn hoá thế giới của UNESCO.
Từ một điểm đến chưa thực sự nổi tiếng, Hạ Long đã trở thành một địa chỉ có tầm quan trọng hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2011, Hạ Long đã thu hút trên 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt gần 4000 tỷ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động. Với tâm điểm là Hạ Long, Quảng Ninh đã trở thành địa chỉ thu hút hàng trăm dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đã huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp và nhân dân đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Du lịch phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố Hạ Long và vùng phụ cận, tạo ra sức sống mới cho toàn vùng. Du lịch Hạ Long đã trở thành động lực và có đóng góp quan trọng đối với Du lịch Việt Nam thời gian qua.
Những thành tưu trên là to lớn và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, bất kỳ ai tâm huyết với Hạ Long đều không thể không trăn trở, mong muốn chúng ta cần phải và có thể làm nhiều hơn như thế để đảm bảo cho Hạ Long một tương lai phát triển bền vững, tính toàn vẹn và giá trị của Hạ Long được bảo vệ, hiệu quả đầu tư và phát triển được nâng cao. Lúc này là thời điểm thích hợp để chúng ta điềm tĩnh nhìn lại chặng đường đã đi qua; đánh giá đúng mức những thành tựu và tồn tại, hạn chế; nhận diện rõ cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn để từ đó định vị tầm nhìn, đưa ra kế hoạch hành động và những giải pháp thực sự phù hợp để Hạ Long xứng đáng với vị thế và hình ảnh của di sản thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Tại hội thảo này, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
Một là: Đặt Hạ Long vào vị trí ưu tiên trong hoạch định phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Hạ Long không chỉ là một di sản thế giới. Do có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế nên trên vùng vịnh và khu vực ven bờ diễn ra các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển công nghiệp điện, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông hàng hải, cảng biển, vận tải thủy nội địa, đánh bắt, nuôi trồng chế biến hải sản, phát triển du lịch, đô thị hóa với tốc độ nhanh. Những lĩnh vực trên mặc dù đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nhưng đều là các hoạt động nhạy cảm có thể gây xung đột và phương hại đến môi trường của vịnh Hạ Long. Chúng ta đã chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn trong thời gian hơn 15 năm qua. Tình trạng đổ thải cao tại các khai trường và mở rộng đô thị, phát triển các bến bãi thiếu kiểm soát gây nên nguy cơ bồi lắng và thay đổi chất lượng nước ven bờ Hạ Long đã là hình ảnh hiện thực, các rạn san hô đang suy kiệt dần.
Trong xu hướng và bối cảnh đó, việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển đảm bảo cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, phát triển đô thị phải đặt trong mối quan hệ tương tác với vịnh Hạ Long, coi Hạ Long là ưu tiên số một. Những hệ lụy ảnh hưởng từ phát triển công nghiệp khai thác than, đô thị hóa thời gian qua dường như đã vượt quá giới hạn để cơ chế tự làm sạch của Hạ Long có thể được bảo vệ. Đã đến lúc phải dũng cảm từ chối những dự án đầu tư tạo ra nguy cơ ô nhiễm tới vịnh Hạ Long.
Chúng tôi đánh giá cao quyết định của tỉnh Quảng Ninh gần đây về việc tạm dừng lấn biển và đầu tư cho công tác nghiên cứu, xây dựng quy hoạch để đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đặt vịnh Hạ Long vào vị trí trọng tâm, chuyển hướng sang phát triển dịch vụ, lấy Hạ Long làm động lực.
Hai là: Cần có văn bản qui phạm pháp luật riêng dành cho Hạ Long. Vịnh Hạ Long là một di sản đặc biệt, là một không gian chứa đựng nhiều giá trị, nhiều tiềm năng lợi thế và là đối tượng điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế. Những quy định, những chế tài thông thường chưa đủ để bảo vệ và điều chỉnh các hoạt động diễn ra trên vịnh Hạ Long và vùng ven bờ cũng như các hành vi gây phương hại đến Hạ Long. Vì vậy, cần có một bộ luật riêng dành cho Hạ Long để điều chỉnh những vấn đề, những hoạt động và hành vi liên quan đến vịnh Hạ Long. Trong khi chờ bộ luật này được ban hành, chúng tôi ủng hộ đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng một Nghị định của Chính phủ để điều chỉnh những vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long, đặc biệt là quy định các chế tài xử lý các hành vi gây phương hại đến Hạ Long.
Ba là: Vai trò của cộng đồng dân cư, khách du lịch và doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long. Điều này phụ thuộc vào nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư và thái độ ứng xử của các doanh nghiệp. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng và khách du lịch cần được xác định là sự ưu tiên. Tại Quảng Ninh, chương trình giáo dục về Hạ Long cần được đưa vào nội dung giáo dục bắt buộc ở tất cả các cấp học, có sự đầu tư xứng đáng và đa dạng hóa nội dung giáo dục về vịnh Hạ Long, có chính sách bắt buộc giáo dục và nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long cho tất cả nhân viên làm việc trên tàu du lịch cũng như người lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ trong vùng.
Bốn là: Cần định vị lại định hướng và tư duy về phát triển du lịch Hạ Long theo tư tưởng chỉ đạo mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: Trong giai đoạn tới, Du lịch Việt Nam phải tập trung chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu, coi trọng chất lượng hiệu quả, hiện đại, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Quan điểm này cần được quán triệt và vận dụng triệt để đối với sự phát triển du lịch Hạ Long. Theo chúng tôi, để thực hiện quan điểm này, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
a/ Phát triển sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế và đa dạng hóa dịch vụ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch. Trong giai đoạn qua, Hạ Long đã đạt được sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Tuy nhiên, chi tiêu của khách thấp và thời gian lưu trú hầu như không tăng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn và dịch vụ chất lượng cao chưa nhiều. Để khắc phục tình trạng này, cần đồng thời phát triển mấy hướng:
- Dựa vào những đặc điểm nổi bật và khác biệt của Hạ Long để phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới trên vịnh Hạ Long. Cho đến nay, việc khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long vẫn tổ chức như cách đây 10 năm, hầu như không tạo ra được sản phẩm mới. Cần phải có tư duy và giải pháp đột phá về vấn đề này nhằm tạo ra những trải nghiệm và cảm hứng mới cho du khách.
- Coi toàn bộ thành phố Hạ Long là một điểm đến, tạo ra khả năng tiếp cận dải ven bờ từ Bãi Cháy đến trung tâm thành phố Hạ Long thông qua việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan dải bờ biển từ bến phà cũ tới Cột 5; khai thác các điểm nhấn từ trên cao tại núi Bài Thơ, đồi Truyền hình cột 8, đồi Đặng Bá Hát. Cải tạo mặt tiếp giáp biển của Trung tâm thương mại Hạ Long thành tuyến phố đi bộ và ngắm cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của đảo núi Hạ Long trong những thời điểm khác nhau, tạo ra khả năng tiếp cận không gian văn hóa bản địa gắn với ẩm thực, mua sắm cho du khách, nhất là khách quốc tế.
- Thực hiện ý tưởng phát triển Bảo tàng sinh thái Hạ Long nhằm tạo ra sản phẩm mới, tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận được giá trị thực sự của Hạ Long và kết nối Hạ Long với Vân Đồn, Yên Tử, Bạch Đằng và các điểm đến khác của tỉnh Quảng Ninh. Bảo tàng sinh thái Hạ Long cũng là một mô hình phù hợp để giáo dục cộng đồng.
- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện cảng tàu du lịch quốc tế tại Tuần Châu cùng với sân golf, bến du thuyền chất lượng cao và các dịch vụ giải trí có đẳng cấp tại Tuần Châu.
- Phát triển một trung tâm mua sắm và ẩm thực có quy mô lớn với chất lượng và độ tin cậy cao tại Bãi Cháy.
b/ Định hướng lại chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm và cơ sở dịch vụ du lịch theo hướng quy mô và chất lượng cao. Cho đến nay, thành phố Hạ Long vẫn chưa có một khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn. Doanh thu của toàn bộ hệ thống khách sạn 4 sao (trên 10 khách sạn) chỉ ngang với doanh thu của khách sạn Metropole Hà Nội (khoảng 680 tỷ năm 2011). Điều này hạn chế hiệu quả kinh tế của hệ thống dịch vụ khách sạn tại Hạ Long. Cho đến nay, ngoài Tuần Châu và một số dịch vụ giải trí tại công viên Hoàng Gia, Hạ Long rất thiếu các dịch vụ giải trí và mua sắm chất lượng cao để tăng chi tiêu của du khách. Do chất lượng cơ sở lưu trú không cao và thiếu các sản phẩm lưu chân khách nên năm nay chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng mới: doanh thu du lịch của Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bình Thuận 6 tháng qua đã vượt qua Quảng Ninh, đạt từ 2500 đến 2800 tỷ đồng.
c/ Coi trọng đúng mức và đầu tư cho hoạt động quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ và xây dựng quảng bá thương hiệu. Hạ Long vẫn là một điểm đến chưa tạo ra độ tin cậy thực sự khi tình trạng lộn xộn tại cảng tàu, sự an toàn tuyệt đối trên vịnh Hạ Long, các hành vi lừa đảo, gian lận về chất lượng dịch vụ, trọng lượng hàng hóa chưa được kiểm soát. Mặc dù đã được đầu tư cả ở cấp độ quốc gia và địa phương trong công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu cho Hạ Long nhưng hiệu quả chưa cao. Công việc này cần được tiếp cận và thực hiện một cách chuyên nghiệp. Với vị thế và danh hiệu mới trên nền tảng danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới sẵn có và những giá trị ngoại hạng của mình, Hạ Long hội tụ đầy đủ những yếu tố khác biệt và độc đáo, nổi bật và đặc sắc, có khả năng định vị trong cảm thụ và trí nhớ của du khách để xây dựng thành thương hiệu hàng đầu của Du lịch Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang cùng các chuyên gia quốc tế với sự hỗ trợ của Dự án Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do liên minh châu Âu tài trợ đang xây dựng một kế hoạch marketing và quản lý điểm đến cho Hạ Long và xây dựng phát triển thương hiệu du lịch Hạ Long. Đây sẽ là một hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.
d/ Tư duy và tổ chức lại hoạt động du lịch tại Hạ Long theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập và hiệu quả. Cách tổ chức hoạt động du lịch gắn với Hạ Long hiện nay cơ bản vẫn như 15 năm trước ngoại trừ việc chất lượng tàu du lịch tốt hơn và có thêm cảng tàu đạt chất lượng quốc tế tại Tuần Châu. Thị trường khách du lịch có nhiều phân khúc với sở thích, đặc tính và khả năng chi tiêu khác nhau. Cách tổ chức như hiện nay vừa bán rẻ tài nguyên du lịch, vừa không hiệu quả. Công việc này cần đột phá từ 2 việc: tổ chức điều hành hệ thống tàu tham quan trên vịnh Hạ Long gắn với một cảng tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế có phân ra các cấp độ chất lượng khác nhau và việc thu phí dịch vụ, phí tham quan vịnh Hạ Long. Trên thế giới hiện nay, không có điểm tham quan có đẳng cấp nào bán vé dưới 10USD/người/lần tham quan. Việt Nam đã thực sự hội nhập và chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế ngay ở các nước láng giềng như Angkor (Campuchia) và Quế Lâm (Trung Quốc). Chỉ cần tổ chức lại hoạt động này thì Hạ Long sẽ tạo ra một nguồn tài chính đáng kể đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan và hoạt động quảng bá xúc tiến.
e/ Hạ Long cần đi đầu và là điển hình trong việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại tất cả các địa điểm có hoạt động du lịch. Đây là một trong những nội dung đột phá mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động ngành Du lịch cả nước thực hiện trong 2 năm 2012 – 2013.
Trên đây là một số đề xuất mang tính chất gợi ý để các đại biểu tham khảo và thảo luận làm rõ. Chúng tôi hy vọng rằng các diễn giả được mời trình bày tham luận tại Hội thảo với hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn của mình sẽ đóng góp nhiều ý kiến và giải pháp phù hợp để Hạ Long được bảo tồn và quản lý với chất lượng cao nhất, phát triển du lịch thực sự đột phá, cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trở thành động lực và là đầu tàu dẫn dắt đoàn tàu Du lịch Việt Nam tiến về phía trước, để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, thực sự xứng đáng với danh hiệu Di sản thế giới.
Nguyễn Văn Tuấn
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch