Chuyên gia Viet ESCO thi công hệ thống năng lượng tại khách sạn Legend (TP.HCM).
Mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) tại khách sạn Legend (quận 1, TP.HCM) với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Chính phủ và các tập đoàn Nhật Bản, công ty Tư vấn và đầu tư năng lượng Việt (Viet ESCO) triển khai, có thể xem là một điển hình thành công khi tiết kiệm tới 25% năng lượng so với trước khi triển khai ESCO.
Dày công thuyết phục
Vì ESCO là dịch vụ mới, ban giám đốc Viet ESCO phải dành nhiều thời gian thuyết phục ban giám đốc khách sạn Legend về tính hiệu quả cũng như những cam kết về chất lượng thiết bị, đảm bảo hoạt động của khách sạn không bị gián đoạn trong thời gian thi công… Sau khi được ban giám đốc khách sạn đồng ý, nhóm chuyên gia kỹ thuật của Viet ESCO khảo sát thực tế hệ thống năng lượng của khách sạn và dữ liệu năng lượng nhiều năm trước. Khâu tiếp theo là đề xuất mô hình kỹ thuật cần triển khai cũng như những số liệu tính toán trên lý thuyết về tính hiệu quả (khoản năng lượng tiết kiệm) của dự án, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận từ phần năng lượng tiết kiệm, thời gian thu hồi vốn đầu tư...
Sau khi đánh giá toàn bộ dự án, ban giám đốc khách sạn Legend đã đồng ý triển khai mô hình ESCO với các hạng mục như: bơm nhiệt, lò hơi, vòi hoa sen tiết kiệm nước, dây đai quạt... đi cùng với các giải pháp quản trị năng lượng. Dự án ESCO tại khách sạn Legend (TP.HCM) đã hoàn thành vào cuối năm 2012. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ, giám đốc kỹ thuật của Viet ESCO, sau khi đi vào hoạt động, mô hình ESCO tại Legend đã tiết kiệm 25% năng lượng so với trước đây.
Ông Huỳnh Kim Tước, chủ tịch hội đồng quản trị của Viet ESCO, chia sẻ: “Vì đây là dịch vụ mới nên tốn rất nhiều thời gian thuyết phục doanh nghiệp. Đã cam kết như thế nào trong quá trình đàm phán sẽ phải thực hiện như vậy để giữ uy tín”. Nếu hai bên đồng ý những hạng mục cần đầu tư mới, thời gian đầu tư, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận… Viet ESCO sẽ tiến hành đầu tư hệ thống năng lượng cho doanh nghiệp như trong hợp đồng.
Ông Trần Hiếu Trung, giám đốc kinh doanh đầu tư của Viet ESCO phân tích, nếu áp dụng mô hình này, doanh nghiệp sẽ có ba điểm lợi: không chi tiền xây dựng hạ tầng năng lượng ban đầu, được chia lợi nhuận từ khoản tiết kiệm và được hưởng toàn bộ hệ thống năng lượng sau khi thời gian đầu tư kết thúc. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp sẽ không rủi ro hoặc tốn kém trong việc đầu tư hạ tầng năng lượng. Cụ thể hơn, giả định chi phí hệ thống năng lượng của doanh nghiệp là 1 triệu đồng/tháng, sau khi hệ thống của Viet ESCO đi vào hoạt động, doanh nghiệp chỉ trả 750.000 đồng hoặc 800.000 đồng mỗi tháng. Phần tiết kiệm được, doanh nghiệp và Viet ESCO sẽ chia phần theo tỷ lệ chia sẻ mà hai bên đã thống nhất.
“Nhưng… xương xẩu lắm”
Theo ông Tước, điểm khó của mô hình này chính là vốn. “Viet ESCO đang khó khăn về vốn. Nếu có khoảng 50 triệu đôla Mỹ, chúng tôi sẽ có nhiều dự án để làm”, ông Tước chia sẻ. Dù có mối quan hệ với các ngân hàng như Vietinbank, BIDV... nhưng theo ông Trung, Viet ESCO chưa khai thác được nguồn vốn từ các dự án tiết kiệm năng lượng của các ngân hàng vì chưa có giải pháp và chính sách cụ thể cho những mô hình dịch vụ năng lượng như Viet ESCO.
Không chỉ khó khăn về vốn, Viet ESCO cũng đứng trước những khó khăn như xác định thời gian thu hồi vốn, phương pháp xác định mức tiết kiệm của dự án, số liệu năng lượng trong quá khứ để làm cơ sở tính toán tỷ lệ lợi nhuận cho mỗi bên khi hệ thống hoạt động... “Hồ sơ tham gia mô hình ESCO nhiều (50 doanh nghiệp) nhưng để hai bên thống nhất mọi điều khoản trước khi xúc tiến đầu tư là chuỗi dài những khó khăn”, ông Trung nói. Khi chọn doanh nghiệp để đầu tư, Viet ESCO còn phải xác định nhiều giá trị của đối tác như uy tín của thương hiệu, tài chính lành mạnh, cam kết hoạt động lâu dài. Với những yếu tố như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể chen chân làm đối tác với Viet ESCO.
Ông Tước nhận định: “Mặc dù mô hình kinh doanh ESCO tại Việt Nam rất hấp dẫn nhưng để trở thành một công ty ESCO đúng nghĩa không dễ dàng chút nào”.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị