Đưa vào hoạt động nhiều dự án năng lượng xanh
UBND TPHCM vừa phê duyệt Chương trình phát triển năng lượng xanh từ nay đến năm 2015 nhằm từng bước giảm áp lực nguồn cung ứng sử dụng điện năng. Đồng thời thúc đẩy và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thân thiện môi trường
Theo ông Trần Văn Mừng, Phó ban Kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực TPHCM, hiện công ty đang triển khai nhiều dự án năng lượng xanh trên khắp địa bàn thành phố và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Đơn cử như tổng công ty đã đầu tư và đưa vào hoạt động 172 hệ thống điện mặt trời cấp điện phục vụ sinh hoạt cho 172 nhà dân ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) với công suất mỗi hệ thống là 525Wp. 7 hệ thống điện mặt trời khác với công suất 1.050Wp/hệ thống vừa đưa vào hoạt động đủ để cấp điện cho 7 công trình công cộng. Trước đó, vào năm 2005, nguồn điện sản xuất từ trạm phát điện Gò Cát theo công nghệ chôn lấp, ủ kín và thu hồi khí gas từ rác thải sinh hoạt do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM làm chủ đầu tư đã được hòa lên lưới điện thành phố với công suất đạt hơn 4 MWh. Riêng trong năm 2013, tổng công ty cũng đang xem xét hồ sơ và tổ chức đàm phán với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) về việc mua lại điện từ dự án thu hồi khí gas bãi chôn lấp rác dùng để phát điện với công suất lên đến 20MWh.
Không dừng lại đó, hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thành phố tham quan và đề cập vấn đề đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường như khí đốt, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối… Tuy nhiên, do giá mua điện tính đến thời điểm này vẫn còn thấp hơn giá thành sản xuất nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Trước tình trạng này, Tổng Công ty Điện lực TP đang kiến nghị UBND TP có ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành chính sách hỗ trợ giá mua điện cho các nhà đầu tư. Trong đó, những nhà sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, khí chôn lấp rác thải phải được hưởng chính sách ưu đãi về giá tương tự như chính sách hỗ trợ mua điện từ năng lượng gió đã được Chính phủ ban hành năm 2011.
Có thể thấy rằng, ngày nay việc sử dụng năng lượng truyền thống đang ngày càng khó khăn do nguồn năng lượng này đang dần cạn kiệt. Trước tình hình đó, việc tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển nguồn năng mới, năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng của tất cả các nước trên thế giới để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, để những dự án năng lượng xanh có thể đi vào cuộc sống thì vẫn phải đợi sự hiện thực hóa những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.
MINH HẢI ( Sài Gòn Giải Phóng)